đỗ tư nghĩa
12. Giận dữ
Một thiền sinh đến với Bankei và phàn nàn, “Bạch Thầy, con có một tính khí không kiềm chế được. Con có thể chữa trị nó bằng cách nào?” Bankei đáp: “Con có một cái gì đó rất kỳ lạ. Hãy cho ta xem nào.” Thiền sinh đáp: “ Ngay bây giờ con không thể cho Thầy xem nó được.” Bankei hỏi: “ Vậy thì khi nào thì con có thể cho ta xem nó?” Thiền sinh giải thích: “ Nó nổi lên một cách đột xuất.” Bankei kết luận: “ Vậy thì, chắc hẳn nó không phải là cái bản tính chân thực của con. Nếu nó là bản tính chân thực, thì con có thể cho ta xem bất cứ lúc nào. Khi con ra đời, con không có nó, và bố mẹ con không trao nó cho con. Hãy suy nghĩ kỹ về điều đó.” Thiền truyện
Trong trầm cảm, có thể ta cảm thấy mình bệnh – theo nghĩa đen – vì sân hận: giận chính mình bị kẹt trong trầm cảm, giận chính cơn trầm cảm, giận những ai không thể giúp ta, hay dường như không hiểu ta. Hoặc, tâm hồn ta có thể được đổ đầy bởi một cơn giận, nó bay lơ lửng tự do, không bị gắn vào một sự vật hay ý tưởng đặc thù nào. Nhiều khi giận dữ có thể là cảm nhận trổi bật của ta trong trầm cảm. Đôi khi cơn giận trở thành bản chất cơn trầm cảm đặc thù của ta. Nhưng có thể là ta không xem nỗi buồn hay nỗi phiền muộn là những cảm xúc có thể chấp nhận, do vậy, ta tự cho phép mình chỉ cảm nhận đơn thuần cơn giận mà thôi. Trong những lời dạy của đạo Phật, sân hận được xem như là một trong “tam độc,” cùng với tham lam và si mê. Trong trầm cảm, sân hận dường như thực sự đầu độc thân và tâm ta – và dường như ta không thể tác động đến nó hay kiểm soát được nó. Trầm cảm cho phép ta thấy sân hận trong cái điều kiện trần trụi của nó; thấy rằng ta vừa bị nó xua đuổi, vừa bị lôi kéo về phía nó. Ta có thể bị lôi về phía nó như là một sự thay thế cho nỗi buồn mà ta cảm nhận, và như là một thuốc giải độc (antidote) cho cái cảm thức về sự vô vọng và bất lực (powerlessness) của mình. Sân hận củng cố cảm thức của ta về một tự ngã – một tự ngã mà ta cảm thấy là quan trọng và phải được bảo vệ. Phần lớn nỗi sân hận của ta tuôn chảy từ bản ngã này, nhất là khi ta cảm thấy rằng nó đang bị đe doạ hay bị tảng lờ. Việc xem xét những ý tưởng và những cảm xúc vốn nằm bên dưới (underlie) nỗi sân hận của ta có thể nói cho ta biết cái nơi mà sân hận khởi phát. Điều này có thể giúp nới lỏng cái vòng cương tỏa của sân hận trên chúng ta. Nhưng trước khi ta nhìn vào cái nằm bên dưới nó, thật hữu ích nếu nhìn vào chính nỗi sân hận trong trạng thái trần trụi của nó. Khi ta nhìn một cách vô tư vào sân hận, ta thấy rằng nó là một năng lượng. ¨ Khi ta giận dữ, mặc dù ta cảm thấy không thoải mái, ta có thể cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Cái lôi cuốn của sân hận nằm ở chỗ nó tạo ra sức mạnh, nhất là khi, trong cơn trầm cảm của mình, ta đang cảm thấy bất lực và vô nghĩa. Sân hận có thể thắng lướt cảm thức của ta về nỗi sợ và nỗi buồn, có thể tạo ra nhiệt lượng tại nơi mà dường như không có sự sống. Bởi vậy, có 2 vấn đề với sân hận: ta có thể cảm thấy không thoải mái với nó, và có thể cố chạy khỏi nó; tuy thế, ta cũng có thể cảm thấy bị lôi kéo về nó, và cố giữ cho cái nhiệt lượng của nó tiếp tục cháy. Nếu để mặc cho sân hận tự tung tự tác, sẽ xảy ra nhiều cái không tốt. Sân hận tô màu tất cả ý tưởng và cảm xúc (feelings) của ta và xác lập những cách đáp ứng mà gây ra đau khổ. Sân hận cũng có thể khiến cho ta “nổi điên” (lash out) và gây hại cho kẻ khác. Mặc dù vậy, ta sẽ thấy rằng nếu ta cố nhổ rễ (eradicate) sân hận, thì ta chỉ chuốc thêm nhiều sân hận. Rồi sân hận của ta sẽ tự nhiên bùng lên hơn là tắt ngúm. Tuy nhiên, ta có một lựa chọn khác. Ta có thể gặp gỡ sân hận của mình với sự chú ý yêu thương, như đang xử trí với sự hờn dỗi của một đứa trẻ nhỏ, để thấy xuyên qua nó và (thấy) cái nằm bên dưới nó. Thay vì cố giết chết sân hận, ta có thể tiếp cận nó với sự bất bạo động và tình yêu. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhận biết khi nào sân hận có mặt, và nó tác động như thế nào đến ý tưởng và hành động của ta. Khi ta nhìn vào sân hận một cách trầm tĩnh và trực tiếp, ta lấy đi cái nền móng của nó, do vậy nó không (thể) trụ lại lâu dài, nhưng khởi lên và biến đi mà ta không bị dính vào nó. Ta cho phép sân hận của mình đến và đi, hơn là chụp bắt nó, đảo đi đảo lại và làm cho nó cháy bùng lên bằng cách đổ thêm dầu vào lửa. Chính là do bị dính mắc vào sân hận, mà sự khó khăn khởi lên cho chúng ta. Sư Trưởng Shunryu Suzuki đã một lần nói về thiền định : “Bạn có thể để cho những ý tưởng của bạn đến với tâm bạn – chỉ đừng mời chúng lưu lại uống trà.” Với sân hận của mình, ta có thể làm tương tự. Ta có thể để cho nó đến và đi, nhưng không tạo ra một môi trường nơi mà nó cảm thấy được mời lưu lại. Ta có thể xử lý một cách từ bi với nỗi sợ hãi nằm bên dưới, mà ta cảm thấy. Ta cũng có thể nắm lấy cái năng lượng của sân hận, mà chắc hẳn là một cái mà ta rất cần trong trầm cảm, và hướng nó về phía hành động tích cực cho sự chữa trị. Sân hận có thể là một cái que dò mạch nước dẫn ta đến những nỗi sợ hãi của mình, nhưng nó cũng dẫn đến những tình huống mà có thể đòi hỏi hành động của ta. Không phải bao giờ nó cũng là vô căn cứ (baseless). Không cần phải trốn tránh nó, đẩy nó đi, hay xem nó như là vô dụng. Đúng hơn, nó có thể cung cấp cho ta năng lượng, sự quyết tâm, và sự sáng tỏ để đáp ứng một cách thích hợp với bất cứ cái gì mà ta thấy chính mình bị rơi vào.
KHÁM PHÁ THÊM: Hãy ngồi lặng yên, theo dõi hơi thở. Hãy bắt đầu quan sát những ý tưởng của bạn. Nếu những ý tưởng sân hận có mặt, hãy nhận diện chúng như là sân hận, và theo dõi chúng mà không can thiệp vào chúng. Trong khi sân hận có mặt, cái gì xảy ra cho tư duy của bạn ? Những ý tưởng của bạn đến nhanh hơn, hay tâm của bạn cảm thấy bị kích động (agitated) ? Những cảm giác trong thân bạn là gì, khi sân hận có mặt ? Hơi thở bạn dồn dập, hay trở nên nông cạn hơn ? Bạn cảm thấy nóng hay lạnh ở một nơi nào đó trong thân bạn ? Bạn nghĩ như thế nào về nỗi sân hận này ? Những cảm giác và ý tưởng nào đi kèm với nó? Bạn có cảm thấy khó chịu ? Tràn đầy năng lượng (Energized) ? Bạn có cảm thấy một thôi thúc (impulse) muốn dính líu với sân hận và giữ cho nó tiếp tục ? Hay bạn muốn loại trừ nó ? Hãy chỉ đơn thuần quan sát những phản ứng của bạn, mà không bị cuốn theo chúng.? Cái gì xảy ra cho sân hận nếu bạn chỉ đơn thuần quan sát nó? Nó có còn lưu lại ? Trở nên mạnh mẽ hơn ? Hay nó phai dần đi ? Hãy tập trung một lần nữa trên hơi thở của bạn. Trong khi bạn theo dõi hơi thở của mình, cái gì xảy ra cho sân hận của bạn? Cái gì xảy ra cho những cảm giác trong thân bạn ? Hãy tiếp tục bao lâu mà bạn cảm thấy thoải mái.
* * * * * * * * *
Hãy tạm ngừng lại giữa cơn giận, hãy an trú trong hơi thở của bạn trong một khoảnh khắc. Hãy đặc biệt chú ý đến những ý tưởng của bạn. Những ý tưởng nào gây ra sân hận ? Bạn có thể nhìn hay thuyết minh cái tình huống trong một cách khác ? Làm như vậy có thay đổi cơn giận của bạn không ? Bạn có mong muốn tiếp tục giận không ? Nó cho cảm giác như thế nào nếu bạn thay đổi cái cường độ phản ứng của bạn ? Thay vì giận dữ, bạn có thể đáp ứng với tình huống bằng một cách khác, sử dụng năng lượng vào một một hành động khác?
¨ Bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn “ GIẬN” của Thiền Sư Nhất Hạnh. NXB Văn Hóa Sài Gòn. 2007. (ND).
trở về mục lục:
|