đỗ tư nghĩa

 

 

t ì m   l ạ i   n ụ   c ư ờ i

 

19. Hãy mở tung trái tim của bạn

 

 

 

     

Khi một người ở trong nỗi đau, thì chỉ có cái phần đang bị đau của y đang nói chuyện với y, và y cũng  chỉ biết truyền thông với tha nhân qua cái phần đau ấy. 

Malidom Patrice Some

 

 

Trên nhiều phương diện, trầm cảm giống như việc chịu đựng một trái tim tan vỡ. Quả thật, khi bạn đi chậm lại, và bắt đầu chú ý sát sao hơn đến cơn trầm cảm, thì những triệu chứng vật lý có thể thường hay tập trung ở ngực. Lo âu là trái tim đập nhanh. Vô vọng là một trái tim mệt mỏi. Buồn bã và phiền muộn là trái tim đau đớn.

Trong một vài hệ thống chữa trị, bệnh tật được xem trước hết là một vấn đề mất quân bình. Trong trầm cảm, cái mất quân bình thường là giữa con tim và khối óc.

Đối với nhiều người trong chúng ta, trí óc và tư tưởng được xem là hữu ích và được đánh giá cao, trong khi trái tim và những cảm xúc được xem như là những vật cản. Chúng ta không thực sự biết cách khóc thương và cảm nhận nỗi đau, nhưng chúng ta dứt khoát biết cách suy nghĩ. Điều đó thì đúng với tôi trước khi cơn trầm cảm của tôi xảy đến.

Trong kinh nghiệm về trầm cảm, cái trí óc này, mà chúng ta đã lệ thuộc quá nhiều, đã làm thất vọng chúng ta. Khó mà làm những quyết định đơn giản, nhớ những vấn đề nhỏ bé. Chúng ta cảm thấy mình chậm chạp và đần độn. Quả thật, trầm cảm phóng đại nhiều khía cạnh của nhân cách và tiến trình tư tưởng chúng ta. Trí óc ta trở nên bận rộn với những phán đoán và so sánh.

Chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng đây không chỉ là cái tâm trí đặc thù của trầm cảm mà thôi, mà ở một mức độ lớn, nó chính cũng là bản chất của cái tâm trí và những ý tưởng thường nhật của ta nữa. Thực vậy, trầm cảm của ta cho phép ta thấy điều này càng minh bạch hơn.

Thiền định giúp chúng ta với việc này, bởi vì nó có thể hỗ trợ để thực sự tách rời khỏi những ý tưởng và những tâm trạng đó. Rồi thì chúng ta có thể bắt đầu gỡ chính mình ra khỏi nỗi đau của bản thân. Chúng ta có thể bắt đầu di chuyển xa khỏi cái mà những vị thầy Zen gọi là cái “tâm nhỏ bé.” Chúng ta bắt đầu thấy ít bị tác động mạnh mẽ bởi những ý tưởng của riêng mình.

Khi sự chấp thủ của của cái tâm nhỏ bé này bị nới lỏng, thì những cảm giác và cảm xúc của trái tim được gia tăng. Đối với một người mà đã tảng lờ bỏ qua trái tim, thì sự kêu gọi của nó càng dai dẳng và lạ lẫm. Có nỗi buồn và nỗi khóc thương quá khứ, tiếc nuối hết thảy những khoảnh khắc phù du đằng sau chúng ta. Ta cảm thấy tất cả những sai lầm mình đã phạm, tất cả những thương tích mà ta đã gây ra. Trầm cảm có thể là một cánh cửa mở vào trong một sự khám phá nỗi sầu đau của ta. Đây có thể là lần đầu tiên mà ta đối mặt với nỗi sầu đau của bản thân và tôn vinh nó, hơn là chạy trốn khỏi nó.

Rất thường khi, trên lối đi tâm linh, chúng ta tin rằng mình nên cảm thấy những cảm xúc khó chịu một cách ít thường xuyên hơn, và rằng, ta không nên dính dấp vào chúng. Khi hành động dựa trên những tin tưởng này, ta có thể đang ném những cảm giác này ra xa, hay đang chạy trốn chúng.

Nhưng niềm hy vọng của chúng ta là thực hành từ bi và nhân ái đối với tất cả. Chúng ta phải thực hành trong cách này đối với chính bản thân và những cảm xúc khó chịu của mình nữa.

Đó là một điều bị chìm mất (lost) trong những cảm xúc của ta, đến nỗi mà đời ta chỉ còn là một khối sầu đau và sân hận. Công nhận, chấp nhận, và lắng nghe chúng, lại hoàn toàn là một chuyện khác. Trong nỗi buồn mãnh liệt và đôi khi tràn ngập của trầm cảm, có một cơ hội để đối mặt với những cảm giác khó chịu này với sự dịu dàng và từ bi, hơn là quay mặt khỏi chúng.

Một cơ hội mới khác có thể là kinh nghiệm của sự đồng cảm.¨ Trong những vực sâu (depths) của trầm cảm, một người phụ nữ mà tôi quen, thấy rằng cô ấy không thể xem TV, bởi vì hầu như cái gì cũng có thể khiến cô mủi lòng - ngay cả những tiết mục gọi điện thoại đường dài, trong đó những thành viên gia đình gọi điện chỉ để nói ” I love you.” Trong trầm cảm của riêng tôi, tôi thường thấy chính mình ngăn lại những dòng nước mắt tại một cửa hàng tạp phẩm, vì thấy một người có tuổi đang ì ạch với những cái túi xách của mình. Mở chính mình vào trong cái thế giới rộng lớn hơn, chúng ta có thể đang cảm nhận lần đầu tiên nỗi sầu đau của cái thế giới ấy. Trong cái cảm nhận đó, ta có thể thấy một lòng từ bi bên trong bản thân, cũng tự nhiên như hơi thở, một lòng từ bi mà vẫn luôn có mặt ở đó.

Sư phụ tôi bảo rằng rất thường khi chúng ta truy tầm một quan niệm (conception) cao đại và phức tạp nào đó về từ bi. Thế nhưng, nó chỉ đơn giản như việc kéo một đứa trẻ ra khỏi lối đi của một chiếc xe. Lòng từ bi hiện hữu bên trong ta trước khi bất cứ ý nghĩ nào về từ bi hình thành trong tâm ta.

Trong ngôn ngữ của đạo Phật, đây là kinh nghiệm thực về duhkha, khổ đau, và annica, vô thường. Cái kinh nghiệm về phiền muộn và khổ đau trong trầm cảm có thể là tiếng gọi của trái tim ta, nó đang kêu gọi ta lắng nghe nỗi khổ và sự vô thường trong đời mình.

Trong việc học để thấy và trân quý những cảm nhận này về khổ đau, ta có thể tìm thấy lại lòng từ bi mà chúng ta đã bỏ quên quá lâu. Nó không chỉ là việc điều chỉnh lại sự mất quân bình giữa con tim và khối óc. Nếu ta trân quý cái quá trình này, thì  những cảm nhận ban đầu về tình trạng trần trụi, dễ bị tổn thương và không được che chở, những cảm nhận ấy có thể làm mở tung trái tim ta. Ta có thể thực sự cảm nhận lần đầu tiên – cảm nhận không chỉ cái nỗi sầu đau của thân và tâm của riêng ta, mà còn cảm nhận được nỗi sầu đau của tất cả mọi chúng sinh trên thế gian này.

Trái tim “ lộ thiên” (open - cởi mở) thấy rằng không có cái gì có thể che chở nó, rằng sự an toàn là một ảo tưởng. Sự vô úy đích thực nằm trong việc nhìn thấy được cái chân lý đó.  Bởi vì như chúng ta có thể thấy khi chúng ta đối mặt với sự nguy hiểm vật lý, đôi khi cái nơi an toàn nhất là cái nơi sát gần bên cái mà ta sợ hãi.

 

 

KHÁM PHÁ THÊM: 

Hãy ngồi lặng lẽ và thoải mái. Sau vài phút theo dõi hơi thở, hãy mang ý thức của bạn tới ngực. Nếu bạn chú ý sát sao, bạn có thể cảm thấy trái tim bạn đang đập. Bạn có thể cảm thấy nó chậm lại khi bạn thở vào, và dồn nhanh khi bạn thở ra. Hãy ghi nhận xem nó cảm thấy nặng nề, dồn nhanh, hay căng thẳng. Cái này có kèm theo một cảm giác về nỗi buồn đau,  sợ hãi, hay vô vọng? Đừng xua đi những cảm giác này. Hãy gặp gỡ chúng với sự ấm áp và từ bi, như bạn có thể gặp một đứa trẻ lạc. Hãy trấn an những cảm giác đó rằng bạn muốn biết chúng, rằng bạn sẽ lắng nghe bất cứ cái gì mà chúng có để nói với bạn. Bạn có thể muốn nói với chúng về nỗi sầu đau, và hối tiếc về việc đã bỏ quên, tảng lờ chúng.

Hãy mang những ý tưởng của sự ấm áp và từ bi đến cho chính bạn nữa. Hãy nhắc nhở chính bạn, rằng không có lý do gì phải cảm thấy xấu hổ về những điều mà có lẽ (trước đây) bạn đã không lắng nghe. Và rằng, trong khoảnh khắc này, chọn việc lắng nghe, để cho trái tim bạn lên tiếng nói – đó là một sự dũng cảm to lớn. Bạn có thể đã cảm thấy như thể đã có những vòng đai thép xung quanh trái tim bạn, hay rằng nó được bọc trong pha lê. Hãy nhìn xem những cái vòng đai này lỏng ra, tan biến đi. Hãy cảm thấy trái tim bạn mở ra, và biết rằng nó có thể làm như thế một cách chậm rãi, ở cái nhịp điệu mà nó chọn. Hãy để cho trái tim bạn nở ra, cho đến khi hơi ấm và cái tiết nhịp đều đặn của nó đổ đầy toàn thân bạn. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải làm cho trái tim bạn rắn lại, để chống kháng một cái gì,  hay để bảo vệ nó.

Những cảm xúc mãnh liệt có thể dấy khởi. Cái này có thể xảy ra khi lần đầu tiên bạn thực tập loại thiền này, hay sau khi bạn đã thực tập nó một vài lần. Hãy để cho nỗi buồn, phiền muộn hay niềm vui vỗ vào bạn và ngang qua bạn. Nếu những cảm xúc mang đến những giọt lệ, hơi thở ngắn, hay tiếng cười, hãy để cho những cái đó đến tự nhiên. Hãy trân quý và ôm choàng lấy những cảm nhận này một lần nữa, gặp gỡ chúng như bạn gặp một đứa trẻ hay một kẻ lữ hành lạc đường. Hãy để chúng biết rằng chúng được đón chào và đã tìm thấy một ngôi nhà trong trái tim bạn.

Một lần nữa, hãy gởi những ý tưởng của sự ấm áp, và từ bi đến với chính bạn, (như một lời cám ơn. ND) về việc đã có dũng cảm lắng nghe trái tim của chính mình. Hãy cảm nhận tiếng đập của trái tim bạn một lần nữa, và hãy ghi nhận xem nó theo sau hơi thở của bạn như thế nào. Hãy mang ý thức của bạn tới sự lên xuống của bụng, tới cái neo của hơi thở bạn. Khi bạn đã sẵn sàng, hãy ngước mắt và đứng lên.


 


¨ Đây là một kinh nghiệm rất thực: hình như thỉnh  thoảng ta cũng có một chút của sự đồng cảm này. (ND).

 

             

trở về mục lục:

tìm lại nụ cười

 

 

trang đỗ tư nghĩa

chân trần

art2all.net