đỗ tư nghĩa

 

 

t ì m   l ạ i   n ụ   c ư ờ i

 

26. Cọng đồng

 

 

 

 

Dường như tôi đã tự khóa mình, cách xa khỏi những con người của thế gian, và thế nhưng, tại sao tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về họ ? 

Ryokan

 

 

Từ Sangha (tăng già – tiếng Sanskrit) ám chỉ cọng đồng những người tu tập đạo Phật. Từ khởi thủy, nó có nghĩa là cọng đồng những tăng sĩ, nhưng qua thời gian, nghĩa của nó được nới rộng ra, bao gồm cả cọng đồng thế tục nữa. Vài vị thầy đã nới rộng cái từ này xa hơn,  cho đến khi, về cơ bản, nó bao gồm tất cả chúng sinh hữu tình. Nhưng sự nới rộng đó cũng là hợp lý, bởi vì, như đức Phật nói, “ Ta đã giác ngộ cùng với tất cả mọi chúng sinh.”

Trong đạo Phật, “tăng già” (sangha) được xem như là một bảo vật hay kho báu, chính bởi vì nó có thể là một trợ lực cho ta khi ta du hành trên con đường tâm linh. Dĩ nhiên, giống như bất cứ cọng đồng nào, nó cũng có thể là một nguồn gốc (nguyên nhân) gây ra sự phẫn chí, và đôi khi nó có thể dường như là một trở ngại. §

Tăng già đã từng được ví như một cái máy lăn đá đầy những hòn đá. Trong khi tất cả những hòn đá lăn xung quanh, va chạm vào nhau, thì những góc cạnh thô ráp của chúng bị mòn đi, và chúng bắt đầu trở nên nhẵn nhụi. Khi sau cùng ta lấy chúng ra, chúng không giống chút gì so với lúc chúng được đặt vào. Chúng không chỉ nhẵn nhụi, mà còn phát lộ một vẻ đẹp mới, với những màu sắc và mô hình mà không thể thấy trước kia.

Khi chúng ta ở trong trầm cảm, chúng ta có thể cảm thấy mình bị cắt đứt khỏi bất cứ loại cọng đồng nào. Dường như có một  tấm màn dày bao quanh ta, giữ cho ta bị cô lập và khiến ta khó vươn ra tới những người khác. Thật là vô cùng khó mà nối kết với tha nhân khi họ muốn cho chúng ta lời khuyên, hay bảo chúng ta phải làm cái gì.

Chúng ta có thể cố nói với bạn hữu về những gì đang xảy ra cho mình, nhưng phần lớn họ chỉ có thể lắng nghe những ý tưởng và nỗi sợ hãi của  ta,  nỗi vô vọng, tuyệt vọng và nỗi đau của ta một chốc lát mà thôi, sau đó, họ cảm thấy buộc phải ngăn ta lại, hay quay mặt đi, không muốn nghe thêm nữa..  Những người khác khó lắng nghe, bởi vì những lời nói của chúng ta chạm vào nỗi sợ hãi và phiền muộn nào đó bên trong họ, trong đời riêng của họ.

Ngay cả đối với những người thật sự muốn nghe - những người lắng nghe và cố thật sự có mặt cho chúng ta - thì như thể là chúng ta đang gởi những thông điệp từ một đất nước xa xôi. Chúng ta nói với họ về những cảnh tượng và âm thanh của một vùng đất mà họ chưa từng thấy, và những lời nói của ta cũng không diễn tả đầy đủ những gì ta muốn truyền thông cho họ.  Những nỗi sợ hãi của ta thì khó nói thành lời. Mặc dù bây giờ, hơn lúc nào hết, ta cần sự liên lạc nối kết giữa con người, sau cùng, ta có thể cảm thấy phẫn chí và thất bại trong những cố gắng để trao đổi với người khác.

Cái tấm gương của những nhóm “tự lực” (self – help) – họ khám phá lại giá trị của tăng già trong thế kỷ này – có thể giúp chúng ta ở đây. Có thể là vô cùng hữu ích cho sự chữa trị khi nói chuyện với một người (mà) đã biết hay trải qua cái mà chúng ta đang trải nghiệm. Chúng ta có thể học hỏi để thấy rằng chúng ta không cô độc, và rằng có những người đã từng kinh qua trầm cảm và đã sống sót. Thậm chí, họ  còn có những kinh nghiệm và trực kiến (insights) mà có thể giúp chúng ta. Khi chúng ta có mặt với những người này, chúng ta không cần phải tiêu tốn nhiều năng lượng để giải thích cái mà chúng ta đang kinh qua. Thật là một sự nhẹ nhõm to lớn, khi sau cùng được có người hiểu mình.

Có thể tìm thấy một ai đó – hay có lẽ dăm bảy người – mà ta chỉ cần nói vài lời thôi, cũng đủ cho họ hiểu những gì họ cần phải hiểu. Chúng ta có thể cảm thấy mình được lắng nghe, được công nhận, và được hiểu. Thường khi, với một người như thế, chúng ta thậm chí không cần phải nói gì cả. Chúng ta biết rằng không có gì được mong đợi ở ta khi ta có mặt với người đó.

Một người mà đã từng kinh qua trầm cảm của riêng họ, có thể dũng cảm nhiều hơn khi bày tỏ với ta. Họ biết trầm cảm, và do vậy, họ sợ nó ít hơn những người mà chưa từng ở đó. Họ là bằng chứng sống động rằng bạn có thể vượt qua nó và hồi phục. Họ có thể nói với bạn cái gì đã giúp họ, để cho bạn biết là nó cũng có thể giúp bạn như vậy.  Những lời nói của họ mang cái thẩm quyền của kinh nghiệm.

Nhiều người -  mà công việc của họ là giúp đỡ kẻ khác,  và nhiều vị thầy và cố vấn tâm linh - chưa từng kinh qua cái mà bạn đang trải nghiệm. Họ có thể có kiến thức chuyên môn trong những lãnh vực sở trường của họ, nhưng có thể họ thiếu sự hiểu biết, cái mảnh đất chung, cái kinh nghiệm máu thịt, để mà thực sự nối kết với một người đang ở trong những vực sâu của trầm cảm.

Sự truyền thông thâm tình với một ai đó mà đã từng khám phá cái “quang cảnh” bên trong tương tự, có thể mang đến cho chúng ta sự an toàn và hy vọng. Thông qua những người này, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để di chuyển một lần nữa vào trong cái cọng đồng rộng lớn hơn của mình. Chúng ta có thể bắt đầu phục hồi dần và đi xuyên qua cái rào chắn của trầm cảm tới một nơi chốn, mà ở đó ta có thể, một lần nữa, là một phần của cái cọng đồng bao gồm tất cả mọi chúng sinh.

Một người bạn khôn ngoan, mà đã chia sẻ với tôi sự đấu tranh của riêng anh với trầm cảm, đã diễn đạt rất khéo. Anh nói, “ Nó như thể là cả hai chúng ta đều ở nhiều điểm khác nhau tại lưng chừng một bờ đá vôi hiểm trở : lên khó, mà xuống cũng khó. Và chúng ta phải dồn gần như hết năng lượng của mình cho cái tình huống nguy hiểm mà cả hai chúng ta đang rơi vào, do vậy, chúng ta có thể trao tặng cho nhau rất ít sự giúp đỡ thực sự. Nhưng thật là một sự nhẹ nhõm, nếu có được một ai khác trên cái bờ đá này để nói chuyện với, một ai đó hỏi, “ Cái lối đi thì như thế nào với bạn ? Bạn có bị bị hoảng sợ không ? Con đường đi xuống có vẻ dài?

Có một bạn đồng hành trên bất cứ lối đi nào, thì không phải là món quà nhỏ bé.

 

 

KHÁM PHÁ THÊM:

Hãy ngồi với một kẻ thân yêu của bạn, hãy cùng nhau theo dõi hơi thở. Cả hai (các bạn) có thể cùng nhìn về phía trước. Hay nếu bạn thấy có đủ tin cậy, và có khả năng, thì hãy ngồi đối mặt với nhau và nhìn vào mắt nhau.

Hãy ngồi yên lặng, theo dõi hơi thở của riêng bạn, chia sẻ cái khoảnh khắc đó. Hãy cảm nhận sự dễ chịu và thú vị trong việc cảm nhận sự có mặt của nhau, nghe cái hơi thở nhẹ nhàng của người ấy, trong khi người ấy cũng đang lắng nghe hơi thở của bạn.

Nếu người ấy xê dịch trên cái đệm của mình, hãy công nhận rằng người ấy đang đối mặt với sự bất an, và có lẽ sự khó chịu, mà bạn cũng đang cảm nhận.

Hãy tiếp tục ngồi, an trú trong sự nhận biết rằng bạn không cần phải luôn đi qua cuộc đời một mình,  vì biết rằng có những người khác có thể cùng hiện diện với bạn trên cuộc hành trình của bạn, ngay cả khi họ có một con đường riêng của họ.

Trước khi xả thiền, hãy cúi chào nhau, hay bằng cách nào đó khác, công nhận cái mà bạn và người ấy vừa mới cùng chia sẻ.

 

* * * * * * * * * * * * *

 

Sau khi ngồi với một người thân, hay vào một lần khác, hãy đi dạo hay ăn một bữa ăn cùng nhau trong yên lặng và chánh niệm. Một lần nữa, hãy đơn giản chia sẻ cái sự thú vị và dễ chịu của việc đi dạo (hay dùng bữa) trong sự hiện diện của một người khác.

 

* * * * * * * * *

 

Vào bất cứ một thời điểm nào đó, cứ 7 phụ nữ (hoặc12 người đàn ông), thì có 1 người đang mắc bệnh trầm cảm. ¨ Hãy mạo hiểm vươn ra tới một ai khác mà bạn biết là cũng đang kinh qua trầm cảm. Hãy để cho họ biết rằng, bạn cũng đang đối đầu với cùng một sự việc, và hỏi xem họ có muốn ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những cuộc chiến đấu của mỗi người hay không. Thậm chí, bạn có thể muốn sắp xếp những buổi gặp gỡ đều đặn cho việc này. Hãy để họ biết rằng, bởi vì bạn biết trầm cảm như thế nào, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương nếu họ không đáp ứng đề nghị của bạn một cách tức thì, hay là họ chưa tiện gặp bạn.

 


 


§ Bản thân người dịch có biết một vài vị du tăng  - họ di chuyển từ chùa này sang chùa nọ - và hình như họ không thể yên tâm tu học tại một nơi nhất định nào cả! (ND).

¨ Không rõ tác giả lấy số liệu này ở đâu, nhưng nếu đúng như vậy, thì đây là điều rất đáng báo động ! Trầm cảm có khi được gọi la “trầm uất”. (ND).

 

 

             

trở về mục lục:

tìm lại nụ cười

 

 

trang đỗ tư nghĩa

chân trần

art2all.net