đỗ tư nghĩa
4. Vô thường
Hãy nghĩ về cuộc sống phù du này…giống như bọt nước nổi lên trong một giòng suối, một ngôi sao băng, một bóng ma, một giấc mộng. Kinh Kim Cương
Buông bỏ những sự vật không phải là từ bỏ chúng. Đó là công nhận rằng mọi sự rồi sẽ ra đi. Sư Trưởng Shunryo Suzuki§
Thường khi trong trầm cảm, chúng ta ý thức một cách sắc bén về sự kiện rằng tất cả mọi sự vật đều vô thường. Cái chết, và những ý nghĩ về sự chết đè nặng lên tâm trí ta. Ta nghĩ về cái chết của riêng ta, của tất cả những người mà ta quan tâm về, và tất cả những sự vật quan trọng với ta. Điều này có thể gây cho ta nhiều đau đớn – biết rằng tất cả những thứ này rồi sẽ chấm dứt. Mặc dù ý thức này về sự vô thường thì hết sức đau đớn, nó cũng là một cánh cửa mở vào trong một chân lý mà Đức Phật thấy như là cốt tử (crucial) để thám hiểm : mọi sự đều vô thường. Hay, nói một cách ít văn hoa hơn, mọi sự mà được kết hợp lại với nhau, đều sẽ tan ra từng mảnh. Đó là một chân lý mà nhiều người trong chúng ta suốt đời cố quên hay tảng lờ đi. Trong trầm cảm của tôi, tôi ý thức một cách đau đớn cái chân lý này. Như thể sự tàn lụi (decay) là một bông hoa, và tôi thấy nó đang nở trong những bùng vỡ (bursts) của vô thường xung quanh mình. Nó dường như khiến cho tất cả những hành động của tôi trở thành vô dụng và vô vọng, ¨ bởi vì không có gì trong chúng có mục đích nào (no point), khi tất cả mọi người và mọi vật mà ta trải nghiệm đều sẽ ra đi, không còn tiếp tục. Nhưng thế giới như một toàn thể thực sự tiếp tục sau chúng ta, và chúng ta cố làm cho nó trở thành một nơi tốt hơn để sống – vì, dẫu sao, chúng ta cũng đã có mặt ở đây rồi. Tuy nhiên, khó mà vượt qua (get past) cái cảm tưởng rằng trong cái thế giới của vô thường này, không có gì là quan trọng, và cái cảm thức này có thể đặc biệt mạnh mẽ trong trầm cảm. Cố làm cho điều này có ý nghĩa – hay làm một cái gì đó giữa nó – có thể, như Sư Trưởng Katagiri đã nói – có vẻ “giống như rửa một cục đất trong nước bùn.” Nhưng ông nói thêm, “Tuy vậy, sự thực tập của chúng ta vẫn phải tiếp tục, ngay chính giữa lòng cái nỗi tuyệt vọng này.” Đức Phật nói, chính sự vô thường đã gây ra nhiều nỗi khổ của chúng ta. Hay, chính xác hơn, không phải tự thân vô thường, mà chính sự từ chối, không dám nhìn nó và chấp nhận nó. § Nỗi đau khổ của ta đến từ sự luyến chấp của ta vào những con người và những sự vật, những toan tính lặp đi lặp lại của ta trong việc tìm kiếm một cái gì đó bền vững ở cái nơi mà không thể tìm thấy bất cứ cái gì bền vững. Ta muốn cái gây lạc thú cho ta cứ mãi tồn tại như nguyên trạng của chúng. Quả thật, ta muốn chính cái tự ngã của mình cứ giữ nguyên hoài không thay đổi. Nhưng cái chân lý này về sự vô thường nói cho chúng ta rằng, không những là không có gì tồn tại vĩnh viễn, mà cũng không có gì giữ nguyên không thay đổi. Thế giới xung quanh ta, và chính ta, thì đang thay đổi từng giây phút. Cái chết chỉ là một sự thay đổi kịch phát (drastic) trong một thế giới mà ở đó mọi sự đều thay đổi một cách nào đó. Chúng ta muốn cảm thấy rằng chúng ta đứng trên nền đất rắn chắc, rằng có một sự bất biến (constancy), sự chắc chắn, và sự thường tồn mà có thể nâng đỡ chúng ta. Nhưng nếu ta chọn việc cố nương tựa vào cái “ bất biến” như vậy, thì chẳng sớm thì muộn, ta sẽ thấy mình đứng giữa không trung. Ta sẽ giống như con chó sói châu Mỹ trong những tranh hoạt hình cũ, chạy khỏi mép bờ đá vôi và bỗng thấy rằng dưới chân mình không có gì. Một công án Zen khuyên, “ Hãy đứng trên một đầu sào trăm trượng và bước một bước về phía trước.” Sự vô thường là một cái sào trăm trượng đó. Hay, đúng hơn, sự luyến chấp hay khát vọng về sự thường tồn của ta là cái đầu sào trăm trượng mà ta vẫn còn bị buộc chặt vào, sợ phải rời ra. Nó chính là cái đã giữ cho đời ta nhỏ bé và hạn cuộc, không rộng hơn cái chóp cây sào của mình. Nhưng có một cách khác. Ta có thể bước về phía trước, vào trong cái thế giới của vô thường đó. Ai biết ? Thay vì té xuống, có thể ta sẽ tìm thấy một sự tự do mới mẻ. Có thể, ta sẽ rơi xuống vào trong vẻ đẹp của vô thường.§ Mọi người làm vườn đều biết rằng, chính sự vô thường của những bông hoa là cái đã khiến cho chúng trở nên quý giá. Cái đẹp của khu vườn nằm trong cái bản chất vô thường của nó, trong những làn sóng màu sắc và hình thể đang di chuyển thường trực xuyên qua nó. Vẻ đẹp của thế giới nằm trong sự biến dịch thường trực tương tự. Chúng ta có thể bước vào trong cái vẻ đẹp này, vào giữa lòng tất cả mọi thứ này, đang chết đi và đang được sinh ra xung quanh chúng ta.
KHÁM PHÁ THÊM: Ngồi yên lặng, chú tâm tập trung vào hơi thở của bạn. Hãy ý thức đến sự phồng lên của bụng ở đầu mỗi hơi thở mới, và hãy quan sát nó xẹp xuống khi hơi thở chấm dứt, tan biến vào hư không. Hãy ý thức về cái chu kỳ này – của sự bắt đầu, của sự chấm dứt, và của hơi thở mới khởi lên thay chỗ nó. Bây giờ hãy xoay sự chú ý sang những ý nghĩ của bạn. Hãy để cho chúng đi vào tâm trí bạn và ra đi tự ý chúng, mà không dính dấp với chúng hay đẩy chúng ra ngoài. Hãy chú ý xem chúng khởi lên và tan biến như thế nào – chúng biến đi chỉ để cho những ý tưởng mới đến thay thế chúng. Hãy lưu ý đến cái chu trình này của sự bắt đầu, chấm dứt và sự khởi lên của những ý tưởng mới. Bây giờ, hãy ý thức về những cảm giác nơi cơ thể bạn. Hãy để ý xem sự đau nhức hay khó chịu hay sự ngứa ngáy khởi lên và biến đi như thế nào, y như sự khởi lên và tan biến của hơi thở bạn. Sự đau nhức ở hai đầu gối bạn, nếu bạn không bị dính líu vào chúng và cố loại bỏ chúng, sẽ tự nó khởi lên và biến đi. Khi nó đi, những cảm giác mới - sự đau nhức ở vai, sự ngứa ngáy ở mũi - sẽ khởi lên để thay chỗ của nó. Hãy lưu ý tới cái chu trình này của sự bắt đầu, chấm dứt và sự khởi lên của những cảm giác mới xảy ra nơi cơ thể bạn.
* * * * * * * *
Hãy bỏ ra một ít thời gian để suy tưởng về sự vô thường trong đời của riêng bạn. Hãy nghĩ về những sự vật hay những con người mà bạn nghĩ là sẽ ở với bạn mãi mãi, nhưng bây giờ đã ra đi. Những con người và những sự vật nào khác trong đời bạn, mà bạn muốn sẽ tồn tại bền vững? Phải chăng bạn có thể thấy rằng họ và những sự vật đó cũng sẽ không còn ở với bạn, vào một thời điểm nào đó trong tương lai ? Hãy xem xét cái chu trình của sự bắt đầu, chấm dứt và lại khởi sinh của những con người, những hoàn cảnh, và những sự vật trong đời bạn. Bạn cảm thấy như thế nào khi bạn bạn nghĩ về điều này? Bạn có cảm thấy buồn, giận dữ, hay tuyệt vọng? Bạn có nghĩ rằng tốt hơn là đừng nên luyến chấp vào bất cứ cái gì hay bất cứ ai, bởi vì mọi sự đều sẽ ra đi ? Hãy nghĩ về những bông hoa, trong sự bùng vỡ của màu sắc, chỉ để tàn héo đi và chết, và rồi sẽ được nhanh chóng thay thế bằng những bông hoa mới. Bạn có thể tưởng tượng đời bạn theo cách tương tự như vậy không ? Bạn có thể thấy cả bạn nữa, bạn cũng là một phần của cái chu trình này, của sự bắt đầu, chấm dứt, và sự khởi lên một lần nữa ?
§ Bạn đọc lưu ý: vị này là tác giả của “ Zen Mind, Beginner’s Mind” – không phải là D.T Suzuki, tác giả của “ Thiền Luận” ( bản dịch tiếng Việt của Trúc Thiên). ¨ Xem Tự Thú (Confession) của Lev Tolstoy. Bản dịch tiếng Việt của Đỗ Tư Nghĩa. NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008. Tolstoy luôn bị ám ảnh bởi sự chết. Chúng tôi đoán rằng Lev đã bị trầm cảm. (ND). § Suy nghĩ cho thật kỹ, thì tự thân sự vô thường không làm cho ta khổ. Chính việc trốn tránh nó, mới là cái làm cho ta khổ ! Đây là một chân lý đơn giản, nhưng hầu như hiếm khi ta nhìn thấy và thấu hiểu ? (ND). § Xem “ Trái Tim Hiểu Biết” của Thiền Sư Nhất Hạnh. (ND).
trở về mục lục:
|