Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm

 

 LỤT MIỀN TRUNG

 

Hình: Nội thành Huế ngập sâu trong cơn lụt ngày 4/11/2017.

Ảnh: Võ Thạnh.(nguồn:vnexpress)


          Ngày 4/11/2017, cơn bão số 12 có tên là Damrey đổ bộ trực diện vào tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận miền Trung. Tổn thất nặng nề: 44 người chết và hơn 19 người bị mất tích, 8 tàu thuyền bị sóng đánh chìm ở cảng Qui Nhơn. Con số thương vong vẫn chưa dừng lại, ôi đau thương!
Bão đi rồi, nhưng hoàn lưu của nó để lại hậu quả khủng khiếp không kém bão tố: mưa lũ trên các sông suối miền Trung dâng cao, đất đá sạt lở ở Quảng Nam đè chết 8 người, đường quốc lộ bị ách tắc do cây cối ngã đổ, đất đá che lấp…

 

Hình: Tất cả tuyến đường từ trung tâm Đại Lộc, Quảng Nam, tới các xã đều ngập sâu.

Ảnh: Đắc Thành. (nguồn: vnexpress)

Huế quê tôi cũng cùng chung cảnh ngộ. Nội thành Huế ngập sâu, phố cổ Bao Vinh nước dâng cao, người dân phải dùng ghe thuyền để lưu thông qua lại. Ôi, nói sao xiết nổi đau của người dân vùng bão lũ. Các hồ nuôi tôm hùm ở Phú Yên mất trắng sau bão. Các hộ chăn nuôi thủy sản ở Phú Lộc Huế, hay ở các nơi khác trở tay không kịp vì nước lên quá nhanh, mưa như trút nước trên trời đổ xuống, nên người dân đành bất lực nhìn gia súc, gia cầm trôi theo lũ lụt! Đói nghèo hiển hiện trước mắt!

Ban đêm nằm nghe mưa rào rào dữ dội, thương bà con ở các vùng ven núi dễ bị sạt lở đất đá đè chết người…Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn, đến hết ngày 9/11 mới hi vọng thời tiết tốt lên.

Lạy trời đừng có mưa to nữa ,lũ lên cao quá rồi!

Hôm nay, 7/11 trời ngớt mưa đôi chút, có nơi nước bắt đầu rút, bà con vùng lũ lụt lục tục dọn dẹp nhà cửa, vớt vát chút của cải còn sót lại để ổn định cuộc sống. Những cái chép miệng thở dài, những tiếng than vãn nhưng tay vẫn phải làm, chân phải đi để dựng lại mái nhà trú nắng che mưa!

 

CẤT RỚ CÁ MÙA LỤT

Không hiểu sao bây giờ lụt có vẻ lớn hơn hồi tôi còn nhỏ. Lụt kèm theo cả lũ, bão tố, mưa ,dữ dội hơn trước nhiều. Có lẽ đó là do việc biến đổi khí hậu gây xáo trộn thời tiết.

Trời mưa lụt, nhưng tôi vẫn nhìn thấy có nhiều người đi cất rớ kiếm cá ăn.

Tôi bỗng nhớ lại cảnh ngày tôi còn nhỏ, Ba tôi cũng sắm rớ và các dụng cụ để cất vài mẻ cá lúc trời có lụt. Ba tôi thường cất rớ ở hồ Tịnh Tâm. Đợi lúc nước đứng, trời bớt mưa: đó là thời điểm lí tưởng để đi cất rớ. Chỉ khoảng hai giờ cất rớ là có được một thau cá Cấn, cá Mại, tép giá. Trông rất ngon và bắt mắt. Những con cá còn sống, nhảy lưng tưng. Mạ tôi đem kho rim cho bầy trẻ ăn cơm. Đỡ tốn tiền mua đồ ăn.

Ngày lụt, rau muống ở đâu trôi về đầy cả mặt hồ Tịnh. Để có chỗ đặt rớ, Ba tôi phải cào bớt rau đi. Thế là mình có được một món rau muống chiên với tỏi ngon lành.

Trong trí óc ngây thơ của tôi hồi ấy, lụt cũng giúp ích cho mình nhiều.

Ai dè về sau này, tôi thấy lụt càng lúc càng khủng khiếp bởi lụt thường đi kèm với lũ ống, lũ quét. Bao nhiêu nhà dân ven núi bị xóa sổ do lũ. Tội dân quá!
 

 

LỘI NƯỚC LỤT HUẾ XƯA

Nhìn nước rút dần tôi bỗng nhớ lại thời trước khi ba tôi còn sống, mấy chị em tôi cùng bà con trong xóm đi lội nước lụt. Lo lụt nhưng khi nước thấp thì thích đi lội, có nghịch lí không? Đó là những năm 63, 64, 65 của thế kỉ 20, lúc đó tôi khoảng 12 hay 13 tuổi… Cả xóm í ới gọi nhau, tranh thủ khi trời tạnh đi lội nhanh kẻo hết nước! Cả đoàn có đến hơn 20 người, đi đến đâu, gọi người quen tiếp nối đoàn đến đó. Mỗi người có một cây gậy để dò chỗ trũng, nước sâu. Tôi triệt để áp dụng câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” cho chắc ăn! Tôi bám theo ba tôi và các anh thanh niên trong xóm mà an tâm lội. Từ hồ Tịnh Tâm theo đường Đinh Tiên Hoàng lội ra trước cửa Hiển Nhơn Đại Nội. Rồi từ đó bọc xuống đường Mai Thúc Loan đến ngã tư Âm Hồn thì trở về.

Vừa lội bì bõm, đập mấy cây gậy xuống đường phát ra tiếng kêu vui tai, vừa chuyền tay nhau mấy hạt bắp rang nhai nhóp nhép. Ai cũng có mang theo chút quà chia sẻ cho bạn bè. Đặc biệt khi lội qua những vùng trũng thấp, cá lội lăn tăn dưới chân, ôi đủ loại cá: cá rô, cá trê, cá tràu…Có lẽ cá từ các ao hồ quanh đó tràn ra theo con nước. Ba tôi có đem theo cái nơm, úp mạnh xuống, mấy con cá nằm gọn trong nơm. Có được 2 con cá tràu bự chảng , to bằng bắp vế người lớn, mấy con cá trê và một đống cá rô. Ui chao, “ chiến lợi phẩm” quá tuyệt vời!

Mạ tôi, sau khi kiểm kê thành tích của mấy ba con đi lội nước lụt về, mạ đem nướng 2 con trê, nấu một nồi cháo cá tràu để ba tôi mời bạn hàng xóm qua đánh chén. Vui quá thể!

Giờ đây, “chuyện lội nước lụt” hầu như không còn nữa. Đám trẻ cũng ngại vì sợ nhớp chân, người già thì sợ bịnh do ngại thấm nước bẩn, lạnh người dễ bị cảm.

Tôi nhìn giòng nước lụt mà thèm vì hoài nhớ dĩ vãng, nhớ kỉ niệm xưa, lội nước cùng bạn bè.

Ước chi ba tôi còn sống để đi lội nước cùng tôi!

“Ôi, lụt gây đau thương cho dân, nhưng lụt sơ sơ thì lội cũng nên thơ!”

Tôi đang lẩm bẩm như vậy thì nghe bác tổ trưởng già gọi nộp tiền đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt nặng ở vùng xa. Có lẽ hiểu được tâm trạng “thèm lội nước” của tôi, bác bảo : “ Tui cũng ưa lội lắm, kêu thêm chị Năm, chị Bảy đi lội cho vui hỉ!”

Thế là bọn tôi đã “phục hồi” lại thú vui lội nước lụt hồi xưa dù bây giờ đã có tuổi, chân có phần yếu. Không phải chỉ lội chơi chơi mà bọn tôi đi khắp xóm thu tiền cứu trợ giúp đỡ đồng bào nơi rốn lũ. Nước bì bõm dưới chân, tay lóng ngóng đếm tiền từ thiện bỏ vào giỏ. Được cũng khá nhiều tiền, ai cũng thương người gặp cảnh màn trời chiếu đất do lũ lụt gây nên.

Thôi, ông trời thương con dân đừng mưa lụt nữa nhé!



Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm
7/11/2017
 

 

art2all.net