Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm

 

 

Hình:Chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng

 

NHỮNG NGÔI CHÙA MANG TÊN LINH ỨNG

Ở ĐÀ THÀNH

 
          Đến Đà Nẵng du khách rất thích thú khi nhìn những bãi biển đẹp tuyệt vời như Mỹ Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An… Còn gì thú vị hơn khi chiều xuống, lang thang trên bờ biển ngắm mặt trời đỏ rực, to như chiếc nong của nhà nông, đang chìm dần trong làn nước xanh biếc.

Bên cạnh loại hình “du lịch biển” khoảng mấy năm trở lại đây, “du lịch cầu” cũng nở rộ song song với những cây cầu đẹp mới hoàn thành bắc ngang sông Hàn như : CẦY QUAY SÔNG HÀN, CẦU RỒNG, CẦU THUẬN PHƯỚC…Ban đêm những chiếc cầu chan hòa ánh điện. Hiệu ứng ánh sáng tạo nên một không gian sông nước rực rỡ, lung linh trên sông Hàn, rất bắt mắt du khách.

Khách hành hương ngang qua thành phố sông Hàn cũng rất yêu mến phong cảnh hữu tình mà tôn nghiêm của những ngôi chùa có lịch sử khá lâu đời ở nơi này. Họ rất thích đi “du lịch chùa chiền” - có nghĩa là đi thăm viếng những ngôi chùa. Hệ thống chùa chiền ở Đà Nẵng rất phong phú và đủ các hệ phái. Có thể kể tên những ngôi chùa nhiều người biết đến như: chùa Pháp Lâm ở đường Ông Ích Khiêm, chùa Quang Minh (còn gọi là chùa Tượng Phật) ở Hòa Minh, chùa Quan Âm ở Non Nước…Đặc biệt du khách trong và ngoài nước, khách hành hương, hay Phật tử rất ngưỡng mộ ba ngôi chùa mang tên Linh Ứng! Phải chăng vì chính tự thân tên gọi gợi sự linh thiêng hay là do phong cảnh rất hữu tình và cũng là những địa điểm du lịch lí thú?

 

*****

1/ CHÙA LINH ỨNG, SƠN TRÀ, ĐÀ NẴNG

Trang Du Lịch Đà Nẵng có viết như sau về chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng:

“Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên tả là đảo Cù lao Chàm án ngự, phía hữu là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng Hàn giang hiền hòa thơ mộng. Sơn Trà còn là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát, bèn lập am thờ tự. Và rồi, Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian” .

Chùa Linh Ứng, Sơn Trà khởi xây năm 2004, khánh thành vào tháng 7 năm 2010. Khách hành hương đến chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Sơn Trà một phần vì phong cảnh bán đảo Sơn Trà rất đẹp: núi cao, bên dưới là biển xanh ngăn ngắt, sơn thủy hữu tình! Phần khác do yếu tố tâm linh huyền bí được lưu truyền trong dân gian. Họ đến để chiêm ngưỡng và cầu nguyện dưới pho tượng Phật Quan Thế Âm cao 67 mét bằng thạch cao trắng, mặt tượng nhìn ra biển bao la. Theo lời những thủy thủ ra vào cửa biển: Mẹ từ bi, hiền dịu, linh thiêng là chỗ dựa tinh thần cho những tay thuyền, làm họ cảm thấy vững vàng tay lái và an tâm khi ra biển cả mênh mông!.
 


Hình: Tượng Phật Quan Thế Âm chùa Linh Ứng, Sơn Trà
(Hình do HTN.Huệ-Tâm chụp ngày 11/11/2011)

Do vậy, chùa Linh Ứng, Sơn Trà với vị thế lí tưởng: non nước hài hòa, kiến trúc đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch đến viếng. Khách hành hương và Phật tử cũng đến tham bái rất đông.

 

 

Đây đó, dưới những gốc cây hay trên ghế đá có thể nhìn thấy những vị khách đang ngồi thiền. Họ đang hướng tâm tư về cõi Phật hay tìm chút bình lặng tĩnh tâm cho chính mình!
 

Hình: Thúy Liên và Huệ-Tâm viếng chùa Linh Ứng, Sơn Trà ngày 11/11/2011.
 

Đến chùa Linh Ứng, Sơn Trà, sau lúc bái Phật, du khách có thể tìm cho mình một vị trí thích hợp để nghe tiếng kinh cầu, tiếng chuông mõ, tiếng gió hòa với sóng biển rì rầm…Tất cả thanh âm hòa quyện như một bản nhạc giao hưởng với những cung bậc thăng giáng tuyệt vời! Trong khung cảnh hữu tình đó, con người cảm thấy thật nhỏ bé trước tạo vật. Một tiếng chuông ngân đủ làm hồn ta bình an và hạnh phúc như khi được quì dưới chân Mẹ hiền dịu. Một vài giọt sương rơi rơi, bay bay…hay đó là giọt nước từ bình Cam Lồ của Mẹ Quan Âm rưới trên đầu ta!

Ôi! Tuyệt vời! “Cõi Phật chốn trần gian” có thể làm ai đó rũ bỏ bao bụi bặm, nhọc nhằn cơm áo đời thường… Có lẽ vì vậy mà nhiều người thường tìm lên chùa Linh Ứng, Sơn Trà chăng?
 

Hình: Biển xanh rì rào trước mặt chùa Linh Ứng, Sơn Trà.
 

Có những vọng lâu rất đẹp nhìn ra biển bao la…
 


Nếu đứng ở góc này sẽ nghe những điệu nhạc du dương của biển, núi, chuông chùa ngân vọng…
 


Ban đêm từ tam quan chùa Linh Ứng, Sơn Trà, hướng mắt về bên dưới xa xa, ta có thể thấy được thành phố Đà Nẵng lung linh ánh điện theo một vệt sáng dài đủ sắc màu.
 


Rời chùa Linh Ứng, Sơn Trà du khách đi về hướng Đông Nam khoảng nửa giờ đi ô-tô sẽ thấy Ngũ Hành Sơn in trên nền trời xanh thẳm Đà Nẵng.

 

2/ CHÙA LINH ỨNG, NGŨ HÀNH SƠN, ĐÀ NẴNG
 

Hình: Chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn ngày 24/9/2014
 

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, nằm trên ngọn Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn.

Huyền thoại về Ngũ Hành Sơn còn lưu truyền đến ngày nay: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên bãi cát, nhờ thần Kim Quy bảo vệ. Qua nhiều năm tháng hấp thụ khí âm dương, một hôm, trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời, bay thẳng về trời. Những mảnh vỏ trứng biến thành năm ngọn núi...

Vua Minh Mạng đặt tên các núi này là Ngũ Hành Sơn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.

Thủy Sơn có tên là núi Chùa hay núi Tam Thai là ngọn núi lớn nhất, cao 106m, rộng khoảng 15 hecta, có ba ngọn…

Ngọn ở phía Đông, có 123 bậc cấp lát bằng đá dẫn đến chùa Linh Ứng, thường được gọi là chùa Ngoài. Trước năm 1891, chùa có tên là Ứng Chân. Sách Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Đà Nẵng, 2000) cho biết vào đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) có Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đến tu tại động Tàng Chân. Ngài dựng am Dưỡng Chân, sau sửa chữa lại gọi là Dưỡng Chân đường. Đến đời Gia Long, Dưỡng Chân đường được đổi thành chùa Ứng Chân. Sau khi Vua Minh Mạng đến vãng cảnh chùa đầu tiên vào năm 1825 thì các ngôi chùa tranh tre ở đây mới được thay bằng gạch ngói. Vua đã ban cho chùa tấm biển có ghi Ngự chế Ứng Chân Tự, Minh Mạng lục niên. Đến đời Thành Thái, do kỵ húy tên một vị vua nhà Nguyễn nên chùa được đổi tên là Linh Ứng.

Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện. Chánh điện xây kiểu chữ “Nhất”, bên phải là nhà tổ, giảng đường, nhà khách, nhà thiền và nhà trù. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Gian giữa thờ đức Phật Thích Ca, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng, phía ngoài có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Trước chùa, Thượng tọa cho đắp tượng đức Phật Thích Ca cao 10m, xây đài Quan Âm, tạo vườn cây cảnh.

Năm 1997, Thượng tọa cho xây tháp Xá Lợi bên trái chùa, cao 30m, đường kính tầng dưới 11m, đặt thờ gần 200 tượng Phật, Bồ tát, La hán.
(Theo tư liệu của trang Du Lịch Đà Nẵng)
 

Hình: Tháp Xá Lợi trên ngọn Thủy Sơn.

 

Hình: Tượng Phật Thích Ca cao 10 mét ở chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.

 

Hình: Đài Quan Âm chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.

*****

Ngày 24/9/2014 chúng tôi -các cựu sinh viên Đại học Sư Phạm Huế, khóa Lương Văn Can &Huỳnh thúc Kháng là: Huệ-Tâm, Như Ánh, Thúy Liên- tổ chức du lịch NGŨ HÀNH SƠN. Cả nhóm lên ngọn THỦY SƠN, ngọn núi đẹp nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đi về trong ngày. (Đi lúc 2h chiều về lúc 6h) .

Nắng thu đẹp đến ngỡ ngàng! Từng giọt nắng vấn vương trên tóc và theo gót chân chúng tôi. Núi Ngũ Hành được cơn mưa thu đầu mùa hồi sáng 24/9/2014 gội sạch bao bụi bặm, đón chúng tôi lên thăm chùa và các hang động.

Không khí trong lành, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chớm thu sang (1) rất thơ mộng: chim hót líu lo, hoa nở rộn ràng đẹp tươi, hương trầm bay trong gió, sương núi bàng bạc… Những hang động, chùa chiền nối tiếp nhau không dứt.

Trèo núi, thăm thú khắp nơi mà người vẫn khỏe khoắn.

Ôi, Mừng biết bao!

Cuộc hạnh ngộ thật dễ thương như trời thu xanh ngắt thơm ngát hương núi Ngũ Hành Đà Nẵng.

Dưới ánh nắng chiều thu ngày 24 tháng 9 năm 2014 chúng tôi cùng du khách đến thăm chùa Linh Ứng. Những luồng nắng thu màu vàng mơ quyện những sợi khói hương tạo nên những mảng màu sắc lung linh huyền ảo. Khách hành hương sau lúc lễ bái đều ra trước sân chùa ghi vài tấm ảnh ở nơi chốn linh thiêng này!
 

Hình: Huệ-Tâm và Thúy Liên trước sân chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn ngày 24/9/2014.
 

Từ chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn du khách phóng tầm nhìn xuống bên dưới là biển Non Nước xanh ngắt bao la. Những cánh buồm du lịch lả lướt, người người đang thả mình trên sóng nhấp nhô… Cảm giác lâng lâng trộn lẫn giữa cõi tiên và cõi tục dường như tìm được mối giao thoa khi ta đắm mình trong chút nắng huyền ảo ở chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.

Ai ngờ, ngay giữa lòng thành phố cảng xinh đẹp Đà thành, mọi người cũng có thể tìm thấy được “cõi tiên” khi lên núi Ngũ Hành. Các ngôi chùa và những hang động long lanh sắc màu thạch nhũ nối tiếp nhau khiến du khách ngẩn ngơ như lạc vào cõi bồng lai!
 

Huệ-Tâm và Như Ánh trong một hang động ở Ngũ Hành Sơn (ngày 24/9/2014).
 

Hình: Biển Non Nước xanh ngắt nhìn từ chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.
 

3/ CHÙA LINH ỨNG, BÀ NÀ, ĐÀ NẴNG
 

Hình: Chùa Linh Ứng, Bà Nà ngày 23/4/2014.
 

Chùa Linh Ứng, Bà Nà nằm trên đỉnh Bà Nà. Chùa nằm ở độ cao gần 1.400m, chùa Linh Ứng, Bà Nà được khánh thành vào ngày 06/03/2004. (16/02 năm Giáp Thân)

Về lịch sử, ngày 21/09/1999 (12/08 năm Kỷ Mão), Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, trụ trì chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ đặt đá xây dựng chùa Linh Ứng, Bà Nà và Thích Ca Phật đài.
 

Hình: Thúy Liên và Như Ánh dưới chân tượng Phật Thích Ca

trên núi Bà Nà ngày 23/4/2014 (hình do HTN.Huệ-Tâm chụp).
 

Bức tượng Bổn sư Thích Ca uy nghi, cao 27m màu trắng, ngang gối 14m, thiền định trên đài sen cao 6m nổi bật trên nền trời Bà Nà, Đà Nẵng. Từ thành phố Đà Nẵng, vào những ngày nắng ráo, có thể nhìn thấy bức tượng Thích Ca trên bầu trời xanh thẳm của khu du lịch nổi tiếng Bà Nà - Núi Chúa.

Về kiến trúc và thờ tự, hai ngôi chùa mang tên Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn cũng như Bà Nà được thực hiện giống nhau, và cùng một thầy trụ trì.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

(Tổng hợp từ trang Du lịch Đà Nẵng)

*****
 

Ngày 23/4/2014 các cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế khóa Lương Văn Can-Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức du lịch lên núi Bà Nà bằng phương tiện cáp treo. Vé cả đi và về: 500.000 đồng cho khách ngoại tỉnh, 300.000 đồng cho khách Đà Nẵng (có xuất trình chứng minh nhân dân khi mua vé).

 

Cổng lên chùa Linh Ứng, Bà Nà.

 


 

Xuống cáp treo ga Tóc Tiên, chúng tôi tìm đường lên chùa Linh Ứng, Bà Nà. Ngày hè nắng ráo nhưng núi vẫn mù sương, mát lạnh. Trèo núi ước chừng trên 300 bậc, đường núi quanh co gấp khúc, mấy chú sóc chạy trốn khi thấy người đi lên. Vẫn còn xa. Mỏi chân nhưng chúng tôi quyết tâm bái Phật. Có đi có đến… thì thấy tam quan chùa Linh Ứng, Bà Nà. Mừng ơi là mừng!

 

Tam quan chùa Linh Ứng, Bà Nà phía từ bên dưới núi đi lên.
 

Từ trong chùa nhìn ra tam quan, phía bên dưới sương mù dày đặc.
 

Chúng tôi chụp hình cùng đoàn khách du lịch Úc

trước chùa Linh Ứng, Bà Nà ngày 23/4/2014.

 


 

Lễ Phật, đóng góp phước sương xong, chúng tôi rủ nhau dạo chơi thăm viếng mọi nơi để được hưởng chút “hương Phật”! Phúc đức thay, cả nhóm ai cũng khỏe khắn vui tươi dù trèo núi mệt lử.


Nếu đi từ bên dưới lên chùa Linh Ứng, Bà Nà, sau khi bước vào tam quan, phía bên trái chùa, là đường đi lên tượng Phật Thích Ca, chót vót trên ngọn núi.
Những đêm rằm trời trong sáng, vầng trăng treo lơ lửng trên bầu trời, sương đêm lóng lánh rơi. Pho tượng Phật Thích Ca trắng xóa nổi giữa trời xanh Bà Nà. Một tiếng chuông vang vọng giữa thinh không lay động tâm tư lữ khách. Phải chăng đây là cảnh tiên!
 


Đường đi lên tượng Phật Thích Ca có những bậc đá rất dốc, khó trèo, khách hành hương lớn tuổi mồ hôi dầm dề, phải bám vào vách núi mà đi cho khỏi vấp té. Có một cặp vợ chồng già ngồi thở dốc ở góc núi, thấy chúng tôi đi xuống liền hỏi: “Còn bao xa hở cô?”. Họ nói: “Khát nước quá mà quên mang nước theo!”. Chúng tôi động viên: “ Đã lên tới đây thì cố gắng trèo cho đến đích kẻo hối tiếc, còn mỗi một đoạn là tới nơi rồi! Tặng cho ông bà chai nước khoáng mới mua để uống lấy sức nhé!”. Rồi chúng tôi xuống núi.
 


Hai bên đường lên và xuống chùa Linh Ứng Bà Nà, hoa cẩm tú cầu khoe sắc, đẹp vô ngần!
 


Dù trời nắng nóng nhưng ở Bà Nà vẫn mát lạnh. Trên đỉnh Bà Nà mù sương, (2) mây giăng bốn bề.
 

 

 

Chúng tôi lo xuống núi nhanh kẻo trời mù, sợ không thấy đường!

 

 

Nhìn từ đàng xa thấy cáp treo từ Đà Nẵng lên khu du lịch Bà Nà lơ lửng trong mây mù.

*****

Chúng tôi và khách hành hương đã thăm viếng, bái Phật ba ngôi chùa mang tên Linh Ứng ở Đà thành. Đúng như tên gọi cả ba ngôi chùa rất “LINH ỨNG”! Bởi không chỉ được thưởng thức cảnh đẹp, tĩnh tâm mà khi trở về ta còn cảm thấy nhẹ phận người, chăm làm việc thiện, bớt nóng giận, tham sân si… Cho dù cuộc đời vẫn còn bộn bề nỗi lo toan, nhiều ngang trái… nhưng trong thâm tâm khách hành hương vẫn mong chút “hương Phật” mà mình đã nhận được từ chùa Linh Ứng sẽ xoa dịu những nhọc nhằn, những muộn phiền, bất trắc… Những nụ cười luôn nở trên môi, cuộc sống sẽ đẹp hơn và tâm ta thanh tịnh hơn...

 

Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm
Đà Nẵng, 12/10/2014

 

Chú thích:

Kính mời coi thêm các bài thơ và video có liên quan, Link:

(1) Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chớm thu sang

(2) Trên đỉnh Bà Nà mù sương

 

Nguồn tư liệu:

HTN.Huệ-Tâm tổng hợp từ trang du lịch Đà Nẵng.

Bài vở và hình ảnh: Do HTN.Huệ-Tâm thực hiện.


-----HẾT-----

 

art2all.net