Nguyên Lạc

 

CÂU CHUYỆN HAI DÒNG SÔNG

 

Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông (Heraclitus)

DÒNG SÔNG SEINE

          Tình cờ đọc được bài bút ký của một người bạn thời niên thiếu viết từ Paris (France)

 

"...Từ thời thanh niên, tôi đã bị ám ảnh bởi bài thơ của Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạc:


Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
(1)

 

Một lần nữa phải bái phục tài làm thơ tình của Nguyên Sa. Hình ảnh tháp Eiffel hiện rõ trên bầu trời, sau những dãy nhà và các hàng cây khi ngồi du thuyền trên sông Seine, độc đáo và thi vị vô cùng. Nhìn những cây cầu yểu điệu và sang trọng bắt qua sông Seine lại nhớ đến Phạm Công Thiện, một quái kiệt trong thi đàn Nam VN, ông đang học Đại Học tại Mỹ (theo các bài viết của Ông) nhưng chán ghét nền văn minh vật chất, quá thiên về thực dụng của lối sống Mỹ, nên sau khi gặp được thần tượng của mình là Henry Miller chỉ để nói: I’ll kill you (Phùng Phật Sát Phật), ông bỏ Mỹ sang Paris, ngủ dưới gầm cầu sông Seine, hút thuốc lá Gaulois, uống cà phê ở khu Mont Martre và sáng tác thơ văn, khảo luận triết học, cho đến khi được Thượng Toạ Thích Minh Châu mời về VN làm khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Vạn Hạnh. " (XYZ)

Đọc xong những dòng chữ trên, Nguyên Lạc tôi cảm thấy ngậm ngùi ... rồi buồn!
-- Ngậm ngùi?!
 

Đúng là chúng tôi có một thời như thế, ngưỡng vọng Paris (France). Paris của một thời từng được coi là kinh đô ánh sáng, là trung tâm văn hoá thế giới. Paris của biết bao nhiêu huyền thoại trong thơ, nhạc, hoạ, triết học ... của nhiều thế hệ Việt Nam.


Paris với Rimbaud và Verlaine, với Apollinaire. Thời tuổi trẻ sinh viên chúng tôi trước 1975, ở miền Nam, đã từng mê mẫn với bao điều được nghe, đọc về Paris. Paris được coi như là thánh địa của văn học. Những Jean Paul Sartre, Albert Camus ... đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ thời tuổi trẻ. Thanh niên tôi đã bị ám ảnh bởi bài thơ của Nguyên Sa viết về dòng sông Seine!


Bước vào ngưỡng của đại học, tôi đã từng say mê Phạm Công Thiện, từng gối đầu sách Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, Hố Thẳm Tư Tưởng ... của ông. Say mê ông, cho những gì ông nói đều là chân lý. Theo ông, cùng chê bai sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê.


Thời gian là câu trả lời hay nhất. Những gì cụ Nguyễn đã làm và để lại cho tuổi trẻ thì ai cũng biết. Bằng chứng là BS Đỗ Hồng Ngọc (Đang sống ở Sài Gòn), người đã học theo những hướng dẫn của cụ, kết quả như thế nào chắc ai cũng biết. Còn ông Phạm đã làm và để lại gì cho tuổi trẻ, ngoài hai chữ HỐ THẲM mà tới giờ tôi cũng vẫn còn chưa biết rõ?! Xin các cao nhân vui lòng giải thích và tha thứ cho sự kém hiểu biết của tôi!


Thời gian đủ dài, kinh qua những kinh nghiêm có thể gọi là đau thương, tôi nghiệm thấy câu này của Leo Tolstoy rất chính xác:


"The most important question to keep before ourselves at all times is this: Do we do the right thing? During this short period of time which we call our life, do our act, conform to the will of the force that sent us in to the world? Do we do the right thing?" (Leo Tolstoy)


Tạm chuyển ngữ:


Thắc mắc lớn nhất luôn đặt ra cho mọi người là điều này: Chúng ta đã hành xử đúng không? Trong khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta gọi là cuộc đời, chúng ta đã hành xử xứng với quyền năng đã đưa chúng ta vào cuộc sống? Chúng ta đã hành xử đúng không? (Nguyên Lạc)

-- Buồn ?!
Sự ca tụng sông Seine trong thơ ca Việt: "Mai anh về giữa bến sông Seine" làm tôi buồn nhớ đến những con sông quê hương tội tình của mình, nhớ đến những kỷ niên trên dòng Hậu Giang yêu dấu thuở nào!

 

 



 

DÒNG SÔNG HẬU QUÊ TÔI

I. Bài thơ nói về dòng sông Seine

Bài thơ nói về dòng sông Seine với "những cây cầu yểu điệu và sang trọng bắt qua; ánh đèn điện sáng làm trắng cả dòng sông, độc đáo và đầy thi vị" (chữ bạn tôi). Dòng sông của quê hương tôi bình dị, mộc mạc quá; không biết có thi vị đối với các bậc tri thức "tót vời" hay không?
 

Tôi xin mạo muội dựa theo các câu thơ trên của Nguyên Sa làm tiếp bài thơ, có câu hò miền nam trong đó.

Quê mình có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông xưa
Anh về giữa một dòng yên lắng
Giữa hai bờ cồn bãi đóm nao!

Anh tìm lại dòng đời xa vắng
Đêm êm đềm thuyền thả mái xuôi dòng

Hò ơ ớ ơ ơ ...
Đâu đây cá đớp bông bần
Nhặt thưa câu hò đối
Bạn đành xa tôi!
Bạn ơi hãy nhớ quay về (ơ ờ)
Trời trong trăng tỏ ...
Lời thề chớ quên! (ơ ơ)


Bạn đã từng ngắm triệu triệu đóm sáng chớp tắt, nhấp nháy nhịp nhàng của đom đóm cái gọi tình trong đêm vắng, trên hai hàng bần rũ (cây thúy liễu) ở ven cồn chưa? Ánh đèn Noel Phương Tây có chắc rực rỡ hơn ánh đóm sao này không? Tôi bảo đảm với các bạn nó rực rỡ lắm, sáng vàng lấp lóe cả dòng sông!
 

Vàm Tấn (Đại Ngãi) quê tôi ở cạnh bờ sông Hậu. (Vàm là đất tại ngã ba sông)

- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Hỏi ra em đã ... theo trai mất rồi (ơ ơ)


Đối diện giữa sông, bên phải là cù lao Dung chạy dài tới cửa biển Đông, bên trái là nhiều cồn nhỏ nổi song song nhau (với những bờ cây bần chạy dọc theo bãi) giữa là khe nước chảy êm đềm. (Dải đất nổi giữa giòng sông, lớn gọi là Cù Lao, nhỏ gọi là Cồn)
 

Những đêm không trăng, trời mờ ảo, triệu triệu đóm sáng chớp tắt, nhịp nhàng của đom đóm cái gọi tình trong đêm trên những hàng bần rũ. Thả thuyền xuôi giòng, trong khe nước giữa hai hàng bần; cùng bạn tri âm, tri kỷ nâng ly lặng ngắm cảnh trời. Dường như thuyền lạc vào cõi thiên thai!
 

Vẳng đâu đây tiếng cá đớp bông, trái bần chín rụng.

. Vẳng nghe tiếng hò đáp nhặt khoan:

1.
- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
Kẻo giông gió đến rồi (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Kẻo giông gió đến rồi ... bờ bụi tối tăm (ơ ơ)

- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Bờ bụi tối tăm anh quơ nhằm cái tộ bể,
Cưới vợ có chửa về (ơ ờ)
- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Cưới vợ có chửa về ... thổi lửa queo râu (ơ ơ)

(Sơn Nam)

2.
- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gẫy
Người lạc tâm hồn ... bạn hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao
Cái lu cái tỏ (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Cái lu cái tỏ ... cái nao riêng mình? (ơ ơ)

- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn ... đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng
Dò tìm bóng bạn (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Dò tìm bóng bạn ...cõi lòng nát tan (ơ ơ)

- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối, khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bạn ơi
Bóng chiều dần xuống (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Bóng chiều dần xuống, mưa rơi mịt mùng (ơ ơ)

- Hò ơ ớ ơ ơ ...
Tìm người như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ ...
Chim bay biển Bắc tôi tìm biển Nam (ơ ơ) *

(Nguyên Lạc) (2)

 

. Vẳng nghe tiếng vọng cổ mơ màng xa vắng:
Hò ơ!
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tới cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu
Tim cô không gặp...Hò ơ!
Tim cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm. (Tình Anh Bán Chiếu)(3)

. Hoặc cùng với người tri kỷ ca đôi câu tân nhạc du dương:
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mênh mông
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng ...

(Chuyến Đò Vĩ Tuyến - Lam Phương) (4)

 

2. Về mùa thu Paris

Thấy các ngài trí thức ca tụng sự tuyệt vời của mùa thu Paris, của những mối tình lãng mạn rượu đỏ đèn vàng, ga Lyon buồn tiễn biệt… khiến tôi ngậm ngùi nhớ lại quê tôi: Hậu giang mộc mạc, diệu hiền với chỉ hai mùa mưa nắng!
 

Nhân nghe các bài nhạc "Tiễn em" và "Mùa thu Paris" của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, tôi viết bài thơ này, đây là trích đoạn:(5)

QUÊ HƯƠNG TÔI KHÔNG CÓ MÙA THU

Quê hương tôi không có mùa thu
Biết lấy chi mơ thu sương mù?
Dòng Hậu giang lặng lờ soi bóng
Đưa tiễn người. rụng trái mù u!

Nơi quê tôi không có mùa thu
Chỉ nắng mưa. trời thảm hai mùa
Tiễn chân em về bên xứ lạ
Nước một dòng. màu tím tiễn đưa

Mùa quê tôi không thu mắt em
Không đón đưa. ga nhỏ êm đềm
Không rượu vang. đèn vàng tiễn biệt
Chỉ hàng bần. xám thẫm. đóm đêm!

Vắng bóng em. tháng chín quê tôi
(Chắc nơi kia mùa thu kinh kỳ?!)
Giọt mưa rơi. trên sông ngầu đục
Lạnh một dòng. sầu nỗi biệt ly!

(Nguyên Lạc)
 


KẾT
Đẹp quá, tình quá và an bình quá phải không các bạn? Ôi quê hương gấm hoa!
Sẽ có còn sông Hậu quê tôi khi thượng nguồn đã bị ngăn chặn?! (6)


Người Việt hay vọng ngoại chăng? Cái của mình có không bằng cái của người? Sao không trân trọng, bảo vệ và làm đẹp thêm cái mình có, lại so bì với cái của người chi?


Dòng Cửu Long êm đềm, dòng Hương Giang mơ màng ... không đẹp hơn dòng sông "lạ hoắc lạ huơ " nào sao? Hay vì chúng bình dị mộc mạc quá, không cao sang "tót vời" nên không thi vị; do đó các nhà trí thức mới ít làm thơ, làm nhạc nhắc đến?!
Nhạc thơ cũng có cao - thấp, trí thức - mộc mạc, sang - sến sao?


Theo quan niệm riêng tôi (có thể sai) "sến" trong thơ, văn, nhạc là dùng "dao mổ trâu" để "làm thịt" một con chuột: Dùng những lời "quá mức" để diễn tả một điều rất giản dị "ai cũng hiểu", hoặc dùng những lời "tót vời" để biến một điều giản dị dễ hiểu thành một điều khó hiểu, chỉ dành cho thiểu số "tự phong".


Theo tôi, bất cứ người nào, triết lý nào, văn chương nào phục vụ cho đa số, đại chúng đều đáng trân trọng hơn những gì phục vụ cho một nhóm thiểu số đặc quyền!

Nguyên Lạc


........................


* Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam (ca dao)


Phụ chú:
(1) Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về giữa bến sông Seine...
https://www.youtube.com/watch?v=qXPOVcsB2hc
(2) Hò Miền Nam – Chí Tâm & Ngọc Đan Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=D490NO47CFA
(3) TÌNH ANH BÁN CHIẾU - Giọng Ca Út Trà Ôn
https://www.youtube.com/watch?v=Jbsbft9m7Jo
(4) Hương Lan - Chuyến Đò Vĩ Tuyền 1980s
https://www.youtube.com/watch?v=c9j_Tw-4bDM
(5) Thiên Tôn - Tiễn Em (Phạm Duy, thơ: Cung Trầm Tưởng)
https://www.youtube.com/watch?v=-pnXrEUhQWI
(6) Nhà văn Ngô Thế Vinh: Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng
http://damau.org/archives/4409
https://uyennguyen.net/?s=ngo+the+vinh&x=5&y=3

 

art2all.net