PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

ĐỆ TAM THẾ CHIẾN

Nguồn hình : Sunday Times


          Âu Châu là chiến trường chính của đệ nhất thế chiến. Hoa Kỳ tham chiến năm 1917, một năm trước khi Đức bị đánh bại. Đệ nhị thế chiến diễn ra trên ba lục địa Âu, Á, Phi Châu. Úc Đại Lợi cũng bị đe dọa nặng nề.

Trong đệ nhất thế chiến liên minh các nước dân chủ chống Đức và đồng minh của nước này là Áo- Hung và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đệ nhị thế chiến các nước dân chủ Tây Phương rồi Liên Sô phải đương đầu với phe Trục gồm Đức, Nhật và Ý Đại Lợi. Hoa Kỳ thực sự tham chiến khi bị Nhật tấn công ở Pearl Harbor ngày 07-12-1941. Sự tham chiến của Hoa Kỳ làm cho cán cân quân sự nghiêng hẳn về các nước Đồng Minh chống phát xít Đức- Ý- Nhật. Sự thắng trận của Đồng Minh trong đệ nhị thế chiến hầu hết do sự đóng góp của Hoa Kỳ mà ra. Liên Sô từng bắt tay với Hitler trước khi bị Đức tấn công và phải nhờ sự tiếp cứu của Hoa Kỳ ở mặt trận phía Tây. Ở Pháp có chánh phủ thân Đức do thống chế Pétain cầm đầu. Chánh phủ này được biết dưới tên gọi chánh phủ Vichy. Ở Trung Hoa có Wang Ching Wei (Uông Tinh Vệ) lập chánh phủ thân Nhật ở Nanjing (Nam Kinh). Anh bị hỏa tiễn của Đức tàn phá dữ dội nhưng Đức không thể xâm chiếm Anh như đã chiếm Pháp. Thủ tướng Churchill khôn khéo khi đặt niềm hy vọng vào Hoa Kỳ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Theo sau sự chấm dứt của đệ nhị thế chiến là sự phá sản của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và sự vươn lên của phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa Cộng Sản. Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân. Anh trả độc lập cho Ấn Độ và Miến Điện. Tướng Charles De Gaulle muốn làm sống dậy sự vĩ đại của nước Pháp bằng sự tái chiếm thuộc địa. Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp kiệt quệ vì cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Algeria. Anh và Pháp mất thuộc địa nên không còn phồn vinh như xưa. Trung Hoa chỉ là cái bóng mờ. Nước này bị Nhật chiếm đóng từng phần, bị xoi mòn vì tệ nạn tham nhũng và nội chiến Quốc- Cộng. Liên Sô bành trướng ảnh hưởng ở Đông Âu. Số quốc gia Cộng Sản gia tăng ngoài ý muốn của các quốc gia Đông Âu. Nhiều quốc gia Á, Phi, thuộc địa của các nước Âu Châu, cả Châu Mỹ La TInh chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ hướng về Liên Sô. Năm 1949 lục địa Trung Hoa trở thành một quốc gia Cộng Sản với khối dân lớn nhất thế giới. Tin thắng trận của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) không làm cho Stalin vui mừng vì Liên Sô rách nát vì chiến tranh lại phải cưu mang một khối dân khổng lồ nghèo đói một cách bất đắc dĩ vì dưới mắt Stalin, Mao Zedong là người cứng đầu ngạo mạn.

Vừa nắm chánh quyền trên lục địa Trung Hoa Mao Zedong không che giấu tham vọng thiết lập ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam và bán đảo Triều Tiên bằng cách tích cực viện trợ quân sự và gởi cố vấn chánh trị và quân sự sang Bắc Bộ để đánh Pháp. Trung Hoa mất ảnh hưởng ở Việt Nam từ năm 1884. Nếu Việt Minh đánh bại Pháp bằng viện trợ quân sự và cố vấn chánh trị lẫn quân sự của Trung Quốc thì Việt Nam rơi vào quĩ đạo Trung Hoa như xưa. Beijing (Bắc Kinh) kiểm soát Việt Nam chặt chẽ hơn vì hai nước đều theo chủ nghĩa Marx- Lenin- Mao. Năm 1950 Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên. Họ bị thiệt hại nhân mạng rất nhiều khi đương đầu với quân Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chỉ huy. Uy thế của Trung Quốc trên chánh trường thế giới được mặc nhiên công nhận khi họ ký hiệp ước đình chiến ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm) với Hoa Kỳ ngày 27-07-1953. Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) có vai trò xông xáo trong hội nghị Geneva năm 1954 về việc qua phân Việt Nam cũng như trong hội nghị Bandung năm 1955. Các đảng Cộng Sản ở Đông Nam Á đều thuộc khuynh hướng Maoist.

Mao Zedong là người hung hăng hiếu chiến, dùng dân số đông đảo nhất thế giới làm khí giới bành trướng lãnh thổ và nêu cao thanh thế của Trung Quốc trên thế giới. Năm 1950 Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Năm 1962 Trung Quốc tấn công Ấn Độ và chiếm của nước này trên 60,000 km2 lãnh thổ ngoài biên giới Ấn- Trung. Năm 1969 chiến tranh biên giới diễn ra giữa Trung Quốc và Liên Sô. Sau khi Mao mất, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), một nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong và vợ là Jiangqing (Giang Thanh) phát động từ năm 1966 đến 1976, tiếp nối đường lối bành trướng lãnh thổ của Mao bằng cách cho Cộng Sản Việt Nam một bài học vì Hà Nội thân Liên Sô chống lại Trung Quốc sau khi đánh bại Việt Nam Cộng Hòa thống nhất hai miền Nam- Bắc. Đó là cuộc Chiến Tranh Biên Giới giữa hai nước Việt- Trung kéo dài từ năm 1979 đến 1989 sau khi Cộng Sản Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị với Liên Sô, cho tàu chiến nước này sử dụng căn cứ Cam Ranh.

Trong Chiến Tranh Lạnh đối thủ chính của Hoa Kỳ là Liên Sô. Trung Quốc ‘hân hạnh’ trở thành kẻ thù trực diện của Hoa Kỳ ở Triều Tiên và kẻ thù gián tiếp của Pháp khi tích cực viện trợ quân sự và gởi cố vấn chánh trị và quân sự giúp đỡ cho Việt Minh chống Pháp. Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO: South East Asia Treaty Organization) ra đời như một hàng rào thưa ngăn chặn làn sóng đỏ từ Trung Quốc tràn xuống các nước Đông Nam Á sau khi quân Pháp thất trận Điện Biên Phủ. Thuyết Domino ra đời. Trong thời kỳ Việt Nam bị qua phân Hoa Kỳ thay thế Pháp yểm trợ cho chánh phủ Sài Gòn nhằm biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cộng Sản miền Bắc khai sinh ra MTDTGPMN năm 1960 để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam theo đúng sách lược của Mao. Khrushchev không hưởng ứng cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam vì ông chủ trương sống chung hòa bình với phương Tây nên tránh né mọi sự đụng chạm với Hoa Kỳ. Nhưng Liên Sô vẫn viện trợ cho Cộng Sản miền Bắc. Nếu không, miền Bắc ngã hẳn về Beijing. Mao không nghĩ đến việc đánh thắng Hoa Kỳ mà chủ trương kéo dài chiến tranh làm suy yếu tiềm năng kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đồng thời tạo sự giết chóc và hận thù triền miên giữa người Việt Nam ở hai miền.

Hoa Kỳ thất bại trong Chiến Tranh Việt Nam. Miền Nam Việt Nam sụp đổ. Vị thế kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới vẫn không suy suyển. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu. Năm 1991 Liên Sô tan rã. Hoa Kỳ xem như đã thắng trong Chiến Tranh Lạnh (1949- 1991). Nhưng về mặt tâm lý Hoa Kỳ không còn được xem là bất khả bại nữa sau năm 1975. Iran, Hezbollah (tổ chức Hồi Giáo Shiite cực đoan ở Lebanon) và vài nước Hồi Giáo ở Trung Đông, Bắc Phi và Châu Mỹ La Tinh như Libya, Iraq Venezuela, Nicaragua, Bolivia...công khai chống Hoa Kỳ chớ không e dè khiếp sợ như trước. Khủng bố Al Qaeda không ngừng tấn công các sứ quán và công ty Hoa Kỳ ở ngoại quốc. Năm 2001 họ tấn công thẳng vào lãnh thổ Hoa Kỳ khi cướp phi cơ đâm thẳng vào World Trade Center ở New York và Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng) ở Washington DC.

Trong khi Trung Quốc im lặng học hỏi Hoa Kỳ để thực thi Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping thì các nhóm Hồi Giáo cực đoan ‘cắt tiết’ Hoa Kỳ. Đến đầu thế kỷ XXI Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới và đứng hàng thứ ba về tiềm năng quân sự sau Hoa Kỳ và Nga. Đó là lúc Trung Quốc tự cho mình là trưởng vùng Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á thực hiện mộng đế quốc cổ điển. Họ tự xem là chủ nhân ông của Tây Thái Bình Dương từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, và có chủ quyền trên 140 đảo đá, đảo san hô, bãi cạn trong vùng. Trung Quốc tự nhận chủ quyền của mình trên chòm đảo Senkaku do Nhật quản trị về phương diện hành chánh.

Ở phương Tây tổng thống Nga, Vladimir Putin, củng cố dia vị cá nhân bằng cách noi theo gương nhà độc tài Stalin. Tham vọng tái lập một liên bang theo khuôn mẫu Liên Bang Sô Viết trước kia được tìm thấy ở Georgia (2008) và Ukraine (sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga năm 2014). Putin lẫn Xi Jinping (Tập Cận Bình) nghiễm nhiên trở thành ‘đồng minh’ vì có một số điểm chung:

1. nguồn gốc Cộng Sản, khuynh hướng độc tôn, độc tài muốn củng cố và vĩnh cửu quyền hành.

2. dùng chủ nghĩa dân tộc để kích thích dân chúng bằng những cuộc xâm lăng, phô trương võ lực đe dọa các nước nhỏ láng giềng, chà đạp luật pháp và công lý quốc tế. Viện lẽ bảo vệ người Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine Putin đem quân xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea. Dân chúng Nga có vẻ hả dạ vui mừng vì có một bán đảo to lớn trên Hắc Hải, hải lộ quan trọng ở phía nam nước Nga nối liền với Địa Trung Hải để quên rằng kinh tế, xã hội lụn bại; nhân quyền bị chà đạp không khác gì dưới chế độ Nga hoàng và chế độ Cộng Sản. Putin tổ chức lễ diễn hành mừng 70 năm chiến thắng Đức Quốc Xã rầm rộ với sự hiện diện của Xi Jinping như để tưởng nhớ đến công lao của chế độ Cộng Sản và sự lãnh đạo của nhà độc tài Stalin! Một Liên Sô rộng 21 triệu km2 bị một nước Đức bằng 1/ 69 diện tích Liên Sô tấn công và giết chết 26 triệu người.

Như đã thấy ở những dòng chữ ở trang đầu, Hoa Kỳ là quốc gia có cống hiến to lớn trong việc đánh bại phát xít Đức- Ý- Nhật trên hai mặt trận Âu Châu và Á Châu Thái Bình Dương. Ở Đông Á, Xi Jinping che lấp bất công xã hội dưới chế độ Cộng Sản bằng chánh sách bài trừ tham nhũng. Thực chất đây là hình thức trừ khử những người khả dĩ cạnh tranh quyền lực với ông ta hơn là bài trừ tham nhũng trên một lục địa 10 triệu km2 với 1.5 tỷ người nơi người tham nhũng và bài trừ tham nhũng đều có vô số tài sản không thể giải thích xuất xứ được. Bản thân Xi Jinping không có tài sản kếch xù và có con gái học ở đại học Harvard Hoa Kỳ sao? Xi Jinping kích thích sự hận thù của người Trung Hoa đối với Nhật Bản và xúi giục dân chúng chống Nhật. Nhiều cơ sở kinh doanh của Nhật ở Trung Hoa bị đập phá. Nhiều kiều dân Nhật bị hành hung ngoài đường. Truyền hình Trung Quốc nêu thành tích kháng Nhật của Cộng Sản Trung Quốc. Nào là một phụ nữ tay không dùng bàn tay mình đánh chết lính Nhật và dùng bàn tay ấy thay dao chặt người Nhật bị giết ra nhiều khúc khác nhau. Nào là một thiếu niên Trung Hoa dùng đá liệng chết một lính Nhật đứng cách xa vài trăm thước. Những mẫu chuyện ấy tương đối quen thuộc với người Việt Nam từng sống dưới chế độ Cộng Sản. Vì những chuyện ấy na ná với chuyện ‘Cây Đuốc Sống Lê Văn Tám’, anh hùng Phan Đình Giót, La Văn Cầu, thiếu nhi anh hùng Hồ Văn Mên diệt Mỹ v.v. Người Trung Hoa vừa hận thù Nhật vì bị Nhật chiếm đóng và ‘thảm sát thường dân ở Nanjing’ (Nam Kinh)...vừa hí hởn vui mừng đi mua cá tôm đánh quanh quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) nghĩa là cướp hải sản của nước người về làm của riêng. Loại cá cướp giựt ấy được gọi là ‘Cá yêu nước’. Beijing cũng tổ chức mừng 70 năm chiến thắng Nhật. Trong đệ nhị thế chiến Cộng Sản Trung Hoa và Quốc Dân Đảng, Trung Hoa đã làm gì để Nhật đầu hàng nếu không phải vì hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki sau trận đánh đẫm máu trên quần đảo Okinawa giữa quân Hoa Kỳ và quân Nhật? Mao Zedong không được mời dự lễ ký kết đầu hàng của Nhật trên chiến hạm USS Missouri ngày 02-09-1945. Như vậy Xi Jinping lấy thành tích của Hoa Kỳ làm thành tích của đảng Cộng Sản Trung Hoa. Sự tiếm danh nghĩa này không thể xem là danh dự của Trung Quốc, một trong Ngũ Cường trên thế giới được. Nói rõ hơn danh dự này dành cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch). Cộng Sản Trung Hoa chỉ tiếp thu danh dự này từ năm 1971 tại LHQ mà thôi.

3. Hai dòng điện cùng tên tạm thời cộng điện trước khi xua đẩy nhau đúng theo định luật. Stalin há không bắt tay với Hitler bằng hiệp ước bất tương xâm 1939? Liên Sô chỉ chống Đức Quốc Xã sau khi bị Đức tấn công (1941). Liệu Putin ‘đồng minh’ với Xi Jinping được bao lâu một khi Xi Jinping xem mình như vị cứu tinh đối với Putin khi ký thỏa ước về dầu khí trị giá 400 tỷ Mỹ kim? Trung Quốc uất ức Nga chiếm hàng triệu cây số vuông ở phía bắc sông Hei Longjiang dưới thời nhà Qing (Thanh). Hiện thời Nga và Trung Quốc liên minh vì cả hai đều muốn làm cho Hoa Kỳ suy yếu. Hoa Kỳ gây trở ngại cho mộng xâm lăng, bá quyền của Nga và Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng. Hoa Kỳ cản trở mộng tóm thâu Ukraine và mộng Tây Tiến của Nga và tìm cách quét sạch ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông khi kêu gọi tổng thống Bashar Assad của Syria thân Nga từ chức. Một trong những nhóm võ trang chống Assad ở Syria được Hoa Kỳ yểm trợ. Nếu Assad bị lật đổ hải quân Nga khó lưu lại trên cảng Tartus. Trong trường hợp này Nga không còn hiện diện ở Địa Trung Hải như đã xảy ra vào thế kỷ XIX khi hải quân Anh kiểm soát Địa Trung Hải và kinh đào Suez ở Ai Cập nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Sau vụ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga và sự yểm trợ của nước này cho phe nổi dậy của người gốc Nga hay nói tiếng Nga ở đông bộ Ukraine, Nga bị loại ra khối G8. Nhóm này trở lại danh xưng cũ: G7. Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế Nga. Hậu quả của sự trừng phạt không đủ sức làm cho Putin nhượng bộ. Kinh tế Nga có bị ảnh hưởng do sự trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước Liên Âu gây ra nhưng người Nga đã quen sống nghèo khó dưới chế độ độc tài từ thời Nga hoàng, thời Cộng Sản đến thời Putin. Họ sống cô lập trong nước Nga băng giá nên dễ bị các nhà lãnh đạo gạt gẫm và kích động lòng yêu nước hẹp hòi dựa trên sức mạnh của lưỡi lê và thép súng. Nga ngấm ngầm giúp đỡ cho phe nổi dậy ở đông bộ Ukraine với mưu đồ chia cắt xứ Ukraine để chờ đợi cơ hội thuận tiện thôn tính vùng đất này. Các quốc gia Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) , Ba Lan lo sợ Nga có thể dùng võ lực bất cứ lúc nào với mọi lý do của kẻ mạnh. Phi cơ và tàu ngầm của Nga lảng vảng trên vòm trời và vùng biển các nước Liên Âu ở phía bắc và tây Âu Châu trong đó có Anh như một hành động đe dọa và khiêu khích. Phi cơ Nga cũng lai vãng gần vòm trời California của Hoa Kỳ. Nga khoa trương võ khí mới trong cuộc diễn binh rầm rộ mừng 70 năm Hồng Quân Liên Sô chiến thắng Đức Quốc Xã (1945- 2015).

Trước kia Mao Zedong hận Hoa Kỳ cản trở Trung Quốc thôn tính đảo Taiwan và giết chết con trai của ông trên chiến trường Triều Tiên. Sau chiến tranh Sô- Trung trên đảo Damansky (Chen Pao- Chân Bảo) năm 1969 Mao xem tổng thống Nixon như là một đại ân nhân. Deng Xiaoping sang Hoa Kỳ, kết thân với tổng thống Jimmy Carter. Hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc sang du học ở Hoa Kỳ để học hỏi kỹ thuật và tặc kỹ thuật cao cấp của Hoa Kỳ nếu thuận tiện. Tháng 05 năm 2015 Hoa Kỳ bắt giữ 06 sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ về tội gián điệp kinh tế. Không bao lâu Trung Quốc vươn lên và muốn lật đổ ngôi vị đệ nhất cường quốc kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ. Thời Mao Zedong Trung Quốc đã có bom nguyên tử như để dằn mặt Liên Sô và Hoa Kỳ và để hù dọa các nước nhược tiểu láng giềng. Trung Quốc không ngần ngại tự ban cho mình chủ quyền phần biển Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc bây giờ có hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, hỏa tiễn, phi cơ, xe tăng và các loại võ khí tối tân do họ sản xuất phỏng theo võ khí mà họ mua của Liên Sô trước kia và Liên Bang Nga bây giờ. Kinh tế Trung Quốc được xếp hạng nhì trên thế giới (mặc dù đời sống dân chúng vẫn còn thấp kém). Với tiềm năng quốc phòng to lớn, Trung Quốc xem thường Nhật Bản vì nước này không có quân đội và bị cấm sản xuất võ khí sau khi bại trận năm 1945. Hoa Kỳ vắng mặt ở Đông Nam Á. Việc chuyển trục sang Á Châu của tổng thống Obama đầu tiên bị Trung Quốc xem thường vì Hoa Kỳ vướng bận ở Iraq, Afghanistan, mang nợ nhiều nhất thế giới, nhưng với những lời nói khẳng định của các bộ trưởng bộ Ngoai Giao và Quốc Phòng, Beijing không dám khinh xuất. Beijing mặc nhiên thực thi việc chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ một khi đã trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự trong một thế giới chao đảo vì sự bất ổn định kinh tế, mất an ninh vì cao trào Hồi Giáo cực đoan. Uy thế của Hoa Kỳ và các cựu đế quốc Tây Phương như Anh, Pháp lu mờ. Ngay cả an ninh các nước ấy cũng bị đe dọa bởi Nga, các nhóm Hồi Giáo cực đoan sống trong nước. Hàng ngày các nước ven Địa Trung Hải phải tiếp rước, lập trại tiếp cư và nuôi hàng trăm, hàng ngàn người Hồi Giáo từ lục địa Phi Châu đến. Không có sự trà trộn của những phần tử Hồi Giáo quá khích như Al Qaeda, ISIS, Boko Haram...?

Chủ nghĩa ‘người hùng’ của tổng thống Bush II, phó tổng thống Cheney, bộ trưởng Quốc phòng Rumfeld, nghị sĩ Mc Cain...không đưa Hoa Kỳ trở lại thời

Xuống đông, đông tĩnh.
Lên đoài, đoài tan

mà đưa nước này vào cảnh suy thoái kinh tế và mang một số nợ to tát trên thế giới.

Giải thưởng Nobel hòa bình của tổng thống Obama như nhắc lại lý tưởng của tổng thống Woodrow Wilson vào thế kỷ trước. Điều khác biệt là vai trò và vị thế của Hoa Kỳ thời Wilson rất cao và rất quan trọng trên thế giới. Lúc ấy đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Quốc Hội đã đưa Hoa Kỳ về với chủ nghĩa cô lập mặc cho những diễn biến chánh trị và kinh tế ở Âu Châu thời hậu đệ nhất thế chiến. Giải pháp mềm của tổng thống Obama không đem lại kết quả cụ thể trong:

- việc thanh tra và kiểm soát các lò nguyên tử Bắc Hàn và Iran.

- việc ổn định tình hình Iraq sau khi Hoa Kỳ rút quân vào cuối năm 2011.

- việc đem lại tự do, dân chủ và trật tự xã hội cho Libya sau khi nhà độc tài Qadafi bị lật đổ. Tình hình Libya ngày càng bi đát. Nhóm khủng bố Hồi Giáo hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại đây đến nỗi một đại sứ Hoa Kỳ đã bị họ giết chết ngày 11-09-2012 tại Benghasi. Việc chặt đầu các tín đồ Thiên Chúa Giáo Coptic gây khủng khiếp cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo Âu Châu. Tình hình Libya tồi tệ đến nỗi người ta có vẻ như không muốn đề cập đến nó nữa.

- Osama Bin Laden đã chết nhưng Al Qaeda vẫn còn. Các tổ chức khủng bố Hồi Giáo mọc lên như nấm. Taliban vẫn mạnh ở Afghanistan, Pakistan. Boko Haram hoạt động mạnh ở Nigera. Al Shabaab bị thiệt hại nặng nhưng vẫn còn hoạt động ở Somalia và Kenya. Năm 2014 ISIS chiếm miền bắc Syria, thành phố Mossul, Tikrit , thành phố sinh quán của nhà độc tài Saddam Hussein, của Iraq. Vào tháng 05 năm 2015 ISIS hay IS (Islamic State: Quốc Gia Hồi Giáo) chiếm Ramadi, Palmyra, một thành phố có nhiều phế tích của văn hóa cổ Assyria, kiểm soát biên giới Syria- Iraq. Nhà độc tài Syria là Bashar Assad vẫn tại chức. Nhóm khủng bố thuộc phái Hồi Giáo Shiite ở Lebanon là Hezbollah do Iran yểm trợ nhảy múa trên chiến trường Syria để bảo vệ cho Assad. Nhóm Hezbollah trở thành kiêu binh đối với Bashar Assad vì nhóm này chiến đấu hữu hiệu hơn quân sĩ Syria. Quân đội Syria do Iran yểm trợ và quân đội Iraq của chánh phủ thuộc phái Shiite ở Baghdad do Hoa Kỳ huấn luyện sau khi lật đổ Saddam Hussein có vẻ yếu thế trước quân Cờ Đen của ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) mặc dù đông đảo hơn và được võ trang đầy đủ. Hiện nay người ta ước lượng ISIS kiểm soát lối 95,000 km2 lãnh thổ trên hai quốc gia Syria và Iraq.

Tổng thống Obama say mê ‘dân chủ’ đến phải chấp nhận lật đổ nhà độc tài Qadafi đã ‘chịu thua’ Hoa Kỳ vì lo sợ cùng chung số phận như Saddam Hussein để chấp nhận sự hỗn loạn do nhóm Hồi Giáo cực đoan gây ra sau khi nhà độc tài Qadafi bị lật đổ và bị giết chết.

Ở Ai Cập Mubarak, vị tổng thống 30 năm cầm quyền qua những cuộc bầu cử không hoàn toàn theo tiêu chuẩn tự do, trong sạch như các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, bị lật đổ (2011). Mubarak độc tài nhưng thân Hoa Kỳ và sống hòa bình với Do Thái. Ông được thay thế bằng Morsi được đắc cử trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch. Morsi là người học ở Hoa Kỳ, dạy đại học ở Hoa Kỳ, có con sinh ở Hoa Kỳ nhưng không thân thiện với Hoa Kỳ. Ông được nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, nhóm Hồi Giáo cực đoan chống Tây Phương do Hoa Kỳ đứng đầu, ủng hộ. Morsi ủng hộ Hamas, chống Do Thái, hòa hoãn với Iran và được Hoa Kỳ viện trợ như đã viện trợ cho Mubarak trước kia. Khi Morsi tiến đến việc thi hành luật Sharia thì ông bị tướng Sisi lật đổ. Sisi tái lập trật tự như thời Mubarak, mạnh tay với nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, xem nhóm Hamas là nhóm khủng bố. Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ai Cập thời Sissi vẫn còn tẻ nhạt vì Sissi nắm chánh quyền bằng một cuộc đảo chánh!

Đường lối ngoại giao mềm dẻo và đầy ‘lý tưởng dân chủ kinh điển‘ của Obama về Iran gây thất vọng cho Saudi Arabia và Do Thái, hai đồng minh lâu đời và gắn bó của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Saudi Arabia thất vọng với tổng thống Obama về vấn đề Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo duy nhất trong NATO, bắt đầu thiếu gắn bó với Hoa Kỳ, NATO và Do Thái. Hoa Kỳ ủng hộ người Kurds ở miền bắc Iraq đương đầu với ISIS vì vùng này có nhiều giếng dầu. Họ là tín đồ Hồi Giáo Sunni bị nhà độc tài Saddam Hussein (Sunni) tìm cách tiêu diệt bằng võ khí hóa học. Thổ Nhĩ Kỳ không sốt sắng chống ISIS vì sợ người Kurds ở Iraq giúp người Kurds ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đòi thành lập vùng tự trị. Dưới thời Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ không thân thiện với Do Thái như các chánh phủ trước. Erdogan bày tỏ thiện cảm với Hamas và có vẻ bất thiện cảm với đường lối độc lập với Hồi Giáo do Ataturk Kemal vạch ra vào thập niên 1920.

Người ta tự hỏi đó là sự tính toán hay sai lầm trong chánh sách đối ngoại của tổng thống Obama khi những rối loạn chánh trị, tôn giáo đều cách xa Hoa Kỳ hàng ngàn dặm nhưng gần Nga, Trung Quốc, Âu Châu và các nước Hồi Giáo Trung Đông. Sự xuất hiện của nhiều nhóm khủng bố không nói lên sức mạnh tập trung của khủng bố trái lại cho thấy có sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nhóm khủng bố Hồi Giáo. Iran (Shiite) và các nhóm khủng bố Hồi Giáo chống Hoa Kỳ và Do Thái là chuyện lịch sử hiển nhiên. Bây giờ ISIS chống Hồi Giáo Shiite, người Kurds thuộc phái Sunni ở miền bắc Iraq. Nhóm Shiites ở Yemen do Iran yểm trợ lật đổ chánh quyền ở Sana’a được Saudi Arabia và các nước Ả Rập láng giềng ủng hộ. Sự xung đột ngấm ngầm giữa Saudi Arabia và Iran nẩy mầm từ những biến cố ở Yemen nơi Sunni chiếm đa số nhưng bị thiểu số Shiite áp đảo.

Các quốc gia dân chủ Âu Châu lẫn các quốc gia Ả Rập thân Hoa Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống Obama về sự hợp tác chống ISIS một cách lơ là. Quốc gia nào cũng dùng không quân oanh tạc quân Cờ Đen của ISIS một cách tượng trưng chớ không gởi quân tham chiến trên bộ. Đối với các nước Âu Châu kể cả Hoa Kỳ ai cũng lo sợ một sự hiểu lầm cuộc chiến tranh tôn giáo nổ bùng giữa Hồi Giáo và tín đồ đạo Christ. Nếu đưa quân vào Syria và Iraq và bị sa lầy thì sao? Có những căn bịnh không thể dùng thuốc cực mạnh để trị vì thuốc diệt vi trùng cực mạnh cũng có thể giết con bịnh. Vì vậy thật là không thực tế khi đem quân vào một nước xa lạ từ địa hình, khí hậu, nhân văn, văn hóa, tôn giáo để tiêu diệt một kẻ thù mới chào đời, khí thế còn sôi sục. Các nước Âu Châu như Pháp, Đức phản đối Nga trong vấn đề Ukraine, Crimea nhưng không tích cực trong việc trừng phạt Nga. Pháp nhận tiền để đóng hai hàng không mẫu hạm cho Nga. Đức có nhiều công ty làm ăn ở Nga. Điều chua chát nhất đối với Hoa Kỳ là việc các nước Anh, Pháp, Đức, Ý tham gia ngân hàng Trung Quốc cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để tiến đến việc thay thế đồng đô- la Hoa Kỳ.

Các nước Ả Rập hầu hết thuộc phái Sunni. (95%). Họ không hăng hái đánh nhóm quá khích ISIS vì cùng phái tôn giáo với họ. Ở Iraq nhóm ấy chống chánh quyền thuộc phái Shiite do Hoa Kỳ giúp đỡ. Ở Syria nhóm Cờ Đen ISIS chống chánh quyền Damacus do vị tổng thống độc tài cha truyền con nối thuộc một chi phái nhỏ của phái Shiite lãnh đạo. Cả hai chánh quyền Baghdad và Damacus đều được sự yểm trợ vật chất lẫn tinh thần của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran cùng phái Shiite. Hoa Kỳ lọng cọng trong trường hợp rắc rối kỳ lạ này. Họ ủng hộ chánh phủ thuộc phái Shiite ở Baghdad sau khi lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein (phái Sunni). Nếu chánh phủ Baghdad bị lật đổ điều này đồng nghĩa với sự thất bại của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bảo vệ chánh phủ thuộc phái Shiite ở Baghdad nhưng họ không bảo vệ chánh phủ Assad thuộc phái Shiite ở Syria nơi 75% dân chúng theo Hồi Giáo Sunni. Năm 2003 Hoa Kỳ lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein (Sunni) nên phải ủng hộ những người từng đối lập với Saddam Hussein thuộc phái Shiite. Hoa Kỳ rơi vào tình trạng ngoại giao mập mờ và mâu thuẫn giữa đồng minh lâu năm (Saudi Arabia) và đối thủ lâu năm (Iran). Saudi Arabia và Iran là hai nước thù nghịch (Sunni và Shiite). Sự thù nghịch càng ngày càng rõ nét khi Iran hậu thuẫn cho nhóm Shiite ở Yemen gọi là nhóm Houthis (tên người thủ lãnh nhóm này) lật đổ chánh phủ Yemen ở Sana’a giữa lúc Hoa Kỳ làm hòa với Iran vì Iran đánh nhau với ISIS để bảo vệ chánh phủ Baghdad.

Dưới sự nhận xét của các quan sát viên quốc tế tổng thống Obama chưa có dấu hiệu nắm thế thượng phong đối với Putin hay Xi Jinping. Putin sáp nhập Crimea như trở bàn tay. Ông có ảnh hưởng to lớn đối với Syria của Assad và Iran. Obama có vẻ cần Putin như Xi Jinping cần ông để có đồng minh đe dọa Nhật. Sự kiện ông Kerry đi Sochi không thể xem là thế thượng phong ngoại giao đối với Nga được. Putin luôn luôn tỏ vẻ thách thức khi liên tục bật đèn xanh cho phe nổi dậy tấn công quân Ukraine ở đông bộ Ukraine. Một yếu tố tâm lý dân tộc cần được lưu ý là người Hoa Kỳ không quan niệm thắng, bại, danh dự, nhục nhã hay sĩ diện như các dân tộc còn lại trong cộng đồng nhân loại. Họ rất thực tế nên luôn luôn chú trọng đến kết quả hơn là những khái niệm trừu tượng hay danh dự ảo huyền. Người trông khờ khạo và thành thật không có nghĩa là thiếu thủ đoạn tiềm tàng. Người Hoa Kỳ luôn luôn tin rằng thành công trên thương trường là thành công trên chánh trường. Người thương buôn thành công phải biết nói thật nhưng cũng phải biết nói dối và phiêu lưu có tính toán. Võ sĩ thượng thừa thường để cho đối thủ áp đảo trước rồi mới xuất chiêu. Họ thường tạo nhiều sơ hở cho đối phương nhắm vào. Đó là cách phòng thủ trước khi lâm chiến của một võ sĩ thượng thừa.

Trung Quốc đi từ nắn bóp chánh trị này đến nắn bóp chánh trị khác. Họ thành lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) trên không phận quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật (2013), đưa giàn khoan Haiyang vào hải phận Việt Nam, tự nhận chủ quyền trên Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 ở Biển Đông với 120 đảo đá nổi lẫn chìm trong vùng, đưa tàu chiến ra dương uy điệu võ nhưng không gặp một trở ngại nào cả. Trong các nước tranh giành chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (Taiwan, Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei, Mã Lai) chỉ có Phi Luật Tân kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của họ. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam im hơi lặng tiếng để chứng tỏ sự trung thành với ‘chủ nghĩa đại đồng dưới một mái nhà’ và sự tuân thủ Mười Sáu Chữ Vàng và Bốn Tốt đối với ‘Trung Quốc vĩ đại’. Các nước tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa khác cũng không làm gì hơn là giữ sự im lặng vàng son. Quốc gia nào trong ASEAN (Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á) khả dĩ đương đầu lại Trung Quốc? - Không có nước nào cả. Cộng Sản Việt Nam tự hào đánh bại đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những kỷ niệm rầm rộ chiến thắng Điện Biên Phủ (07-05), chiến thắng ngày 30-04 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nhưng đàn áp những cựu chiến binh đặt vòng hoa tưởng niệm những chiến binh Cộng Sản chết trong chiến tranh biên giới chống Trung Quốc. Đông Nam Á như nằm gọn trong tay Trung Quốc. Họ thiết lập xa lộ nối liền Hoa Nam với Lào, Bắc Bộ. Họ có kế hoạch đào một con kinh ở phía nam Thái Lan nối liền Vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương. Kế hoạch to lớn của họ là khống chế Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngăn chặn tàu bè Nhật và Hoa Kỳ đi lại giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương, bao vây Ấn Độ và đe dọa Úc Đại Lợi. Năm 2014 Trung Quốc gia tăng sự gây hấn trên Biển Đông với giàn khoan Haiyang đặt trong hải phận Việt Nam và việc xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ gọi đó là Vạn Lý Trường Thành Cát (Great Wall of Sand). Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đang có để đặt toàn thế giới trước một việc đã rồi. Đến giữa tháng 05 năm 2015, theo đô đốc Harris Jr, Trung Quốc lập 8 km2 đảo cát tương đương với 1,500 sân banh sâu dưới mặt nước biển 90 m. Sự hình thành đảo tân lập bằng cát và đá này cho thấy Trung Quốc:

- xem thường dư luận thế giới và luật pháp quốc tế. Đối với Trung Quốc đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Không phận trên đảo cát tân lập là không phận của Trung Quốc. Phần biển cách đảo cát tân lập 12 hải lý là hải phận của Trung Quốc! Các nước ASEAN yếu thế phải chấp nhận ‘trật tự’ do Trung Quốc áp đặt. Nhưng Hoa Kỳ không thể chấp nhận cái ‘trật tự Trung Quốc’ này một cách dễ dàng được. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc biến không phận trên đảo tân tạo thành ADIZ (Vùng Nhận Dạng Phòng Không) và Hoa Kỳ vẫn cho phi cơ quân sự bay ngang qua không phận nhận dạng và phòng không như đã cho B 52 làm cuối năm 2013 ở Đông Bắc Á? Ngày 22-05 một chiếc phi cơ quân sự Hoa Kỳ bay trên không phận vùng Trung Quốc đang xây đảo cát và đá và bị hải quân Trung Quốc cảnh cáo. Trong những ngày sắp tới có thể Hoa Kỳ cho tàu chiến chạy sát đảo cát tân lập. Tàu chiến Trung Quốc sẽ nổ súng. Chiến tranh được khơi ngòi?

- Biến đảo cát tân tạo này thành ngư cảng, hải cảng trong thời bình, căn cứ không quân và hải quân để chuẩn bị chiến tranh trong vùng. Vạn Lý Trường Thành Cát cách xa đảo Hainan (Hải Nam) hàng ngàn cây số. Nó sẽ là căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trên Biển Đông giúp cho Trung Quốc nắm thế thượng phong trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Sự đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về Vạn Lý Trường Thành Cát này có phải là đầu đề của đệ tam thế chiến không? Trung Quốc muốn đặt thế giới trước một việc đã rồi giống như Putin sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga trong chớp mắt năm 2014. Im lặng tức là mặc nhiên chấp nhận. Sẽ có nhiều Vạn Lý Trường Thành Cát xuống tận Indonesia. Khống chế Biển Đông là khống chế Đông Nam Á quần đảo. Việt Nam, Cambodia, Lào là bàn đạp cho Trung Quốc khống chế Đông Nam Á lục địa. Úc Đại Lợi và các hải đảo Nam Thái Bình Dương đều nằm trong tầm nhắm của Trung Quốc.

Chiến tranh, nếu xảy ra, không có lợi cho bên nào cả. Nhưng không vì thế mà không xảy ra khi Putin và Xi Jinping không còn cách nào hơn là thỏa mãn danh dự và óc vinh quang của dân tộc họ bằng cách thực thi chủ nghĩa đế quốc cổ điển hầu che lấp sự bất lực của họ trong việc đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho dân tộc họ. Những khó khăn kinh tế, tài chánh, chánh trị, tôn giáo, chủng tộc, sự suy giảm uy thế của Hoa Kỳ trên thế giới, sự đoàn kết lỏng lẻo giữa Hoa Kỳ và các nước Âu Châu là những khích lệ to lớn đối với Putin và Xi Jinping trong việc thực hiện mộng đế quốc ở vùng Baltic, ở các nước Đông Âu Cộng Sản trước kia và ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gợi lại hình ảnh của nhà độc tài Stalin và Mao Zedong thời Chiến Tranh Lạnh. Putin ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin. Xi Jinping theo gương nhà độc tài Mao Zedong và có vẻ muốn tỏ ra trội hơn cả Mao vì đã có thái độ thách thức đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản và thái độ người giàu ban bố ân huệ cho Putin. Mao Zedong không ưa Stalin nhưng đành chịu lép vế trước Stalin. Ông vui mừng khi tiếp tổng thống Nixon năm 1972 và không nhắc đến chiến tranh Hoa- Nhật (1937- 1945) vì cần giao thương với Nhật.

Đệ tam thế chiến, nếu xảy ra, sẽ làm nổ tung Trái Đất với số lượng bom nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa và võ khí hóa học giết người hàng loạt.

Nga có 2,500 trái bom nguyên tử, 39,967 tấn võ khí hóa học.

Hoa Kỳ có 4,760 bom nguyên tử, 30,609 tấn võ khí hóa học.

Trung Quốc có 240 bom nguyên tử, võ khí hóa học và các loại võ khí giết người khác.

Anh có 225 bom nguyên tử, võ khí hóa học.

Pháp có 298 bom nguyên tử, võ khí hóa học.

Pakistan có 120 bom nguyên tử, võ khí hóa học.

Ấn Độ có 110 bom nguyên tử, võ khí hóa học.

Sự tàn phá của hai trái bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 không ghê gớm bằng sự tàn phá của bom nguyên tử hiện đại. Nhật bị thua thiệt sau khi bại trận vì không được có quân đội và không được có kỹ nghệ võ khí. Việc sản xuất bom nguyên tử và võ khí hóa học không có gì khó khăn đối với trình độ khoa học kỹ thuật của Nhật. Nhật là kẻ cựu thù của Hoa Kỳ nhưng hiện nay là một quốc gia đồng minh gắn bó của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Sự im lặng của Nhật không có nghĩa là họ chấp nhận cái trật tự do Xi Jinping đặt ra.

Tai nạn chiến tranh dẫn đến đệ tam thế chiến sẽ xảy ra ở đâu?

Ở Senkaku giữa Nhật và Trung Quốc?

Trên bán đảo Triều Tiên giữa Bắc Hàn, Nam Hàn và Hoa Kỳ?

Tại Eo biển Taiwan (Đài Loan) giữa Trung Hoa lục địa, Taiwan, Nhật?

Không phận và hải phận đảo tân lập trong quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?

Ở Đông Á ngòi lửa chiến tranh nằm ở Tây Thái Bình Dương và quốc gia gây hấn là Trung Quốc.

Ở Âu Châu Ba Lan, Phần Lan và ba tiểu quốc vùng Baltic là những nơi sớm bị Nga dòm ngó như đã xảy ra trong năm 1939, 1940.

Nếu đệ tam thế chiến là một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa các cường quốc giao tranh thì cuộc chiến sẽ không có kẻ thắng người thua rõ rệt vì toàn thể Bắc Bán Cầu sẽ bị chìm dưới một cơn lụt nước sôi vì các tảng băng ở Bắc Băng Dương tan ra dưới nhiệt độ vài chục ngàn độ. Không ai nghĩ đến dạng chiến tranh này nếu muốn sinh tồn.

Để tránh tai họa khủng khiếp này các cường quốc sẽ ngầm thỏa thuận nhau trong việc phân vùng ảnh hưởng rồi tiếp tục lôi cuốn đồng minh, chiếu bí lẫn nhau về kinh tế, tài chánh hay cùng nhau chạy đua trong việc phát minh những võ khí và phương tiện chiến tranh mới. Nếu những cuộc xung đột võ trang giống như cuộc đá dế thì chủ dế không bao giờ đánh nhau. Chỉ có dế đá nhau mà thôi. Hòa bình thường đến có lợi cho người lớn tiếng và gây hấn. Dạng này không thich hợp với hoàn cảnh thế giới hiện nay. Hiện nay không có chủ dế Cộng Sản và chủ dế Tư Bản mà có sự tranh giành ảnh hưởng về ngôi vị giữa Tam Cường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga phục sinh chủ nghĩa đế quốc cổ điển: dùng võ lực xâm lăng và chiếm lãnh thổ của các nước nhỏ láng giềng. Muốn như vậy phải có Hải Quân hùng mạnh.

Nếu chiến tranh là ‘điều tồi tệ cần thiết’ nó sẽ không đến nỗi tệ hại để trở thành chiến tranh nguyên tử đưa loài người đến cảnh tự diệt một cách dại dột, chiến tranh sẽ được giới hạn bởi sự trì kéo của những cuộc cách mạng xã hội, cách mạng dân quyền, cách mạng nhân quyền và cách mạng dân tộc đòi tự trị và độc lập ở các quốc gia gây hấn. Chiến thắng sau cùng vẫn nằm trong tay Hoa Kỳ. Chiến tranh bùng nổ ở bất cứ nơi nào ở Tây Thái Bình Dương cũng không chứng minh được chánh nghĩa của Trung Quốc trước dư luận thế giới. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản trên lục địa Trung Hoa và ở Việt Nam. Cây to ngã; chùm gởi héo khô. Xi Jinping dùng hình ảnh của phát xít Nhật trong đệ nhị thế chiến để kích thích Đại Hàn và các quốc gia Đông Nam Á oán ghét Nhật. Đại Hàn oán ghét Nhật vì Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Nhưng Park Chung Hi, một sĩ quan do Nhật đào tạo, học hỏi rất nhiều nơi Nhật để biến Đại Hàn thành một quốc gia kỹ nghệ có nền kinh tế ổn định trên thế giới.

Trung Quốc hù dọa các nước láng giềng bằng sức mạnh quân sự của mình, tự ý chiếm biển, đảo trong vùng Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2, xây dựng đảo nhân tạo rồi tự nhận có chủ quyền trên không phận và hải phận của đảo cát tân tạo.

Trước đệ nhị thế chiến Nhật đưa chủ thuyết Đại Đông Á Thịnh Vượng Chung để thu hút các nước Đông Nam Á lúc ấy là thuộc địa của Anh (Miến Điện, Mã Lai), Pháp (Việt Nam, Cambodia, Lào), Hoa Kỳ (Phi Luật Tân), Hòa Lan (Indonesia). Đối với một số nhà cách mạng ở Đông Nam Á sự hiện diện của phát xít Nhật trên quê hương họ như là một sự giải phóng xứ sở họ khỏi sự đô hộ của người Bạch Chủng Âu- Mỹ. Ở Trung Hoa Wang Ching Wei, một thành viên lãnh đạo Quốc Dân Đảng (Guomindang), thân Nhật. Ở Thái Lan có Phibul Songram. Ở Miến Điện có Aung San. Ở Phi Luật Tân có Jose J.Laurel. Ở Việt Nam có Trần Trọng Kim. Các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Ân... đều có lập trường thân Nhật. Ở Cambodia có Sơn Ngọc Thành. Ở Lào có hoàng thân Phetsarath Ratanavongsa, anh của hoàng thân Souvana Phouma và lãnh tụ Pathet Lào, Souphanouvong. Indonesia có Sukarno v.v.

Dưới nhãn quan của các dân tộc Đông Nam Á, giữa Trung Quốc của Xi Jinping và phát xít Nhật thời đệ nhị thế chiến quốc gia nào tàn độc và ngang ngược hơn?

 

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

______

a2a mời đọc thêm :

Why the world is wary of China's 'great wall of sand' in the sea (CNN.com)

 

Trang Phạm Đình Lân

art2all.net