Võ Kỳ Điền

 

NGƯỜI ĐẸP ĐẢO DỪA

 

 

 

          Người đẹp đã quay về rừng dừa hồi lâu, trở ra, tay xách một thùng nước, tay cầm một cái ca nhôm. Bàn tay xinh xắn rót từng ca nước ngọt, trìu mến đưa cho các em nhỏ, nâng niu cho các cụ già. Tôi đứng ngây người nhìn cái hình ảnh tuy đơn sơ mà trong lòng cảm động rưng rưng. Thôi kệ, nàng có là Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan gì đi nữa, cũng không sao. Giữa con người với con người, đối xử với nhau thân tình như vậy, đẹp quá. Cõi lòng của nàng khiến tôi xúc động bồi hồi. Một ca nước đâu có đáng giá bao nhiêu nhưng cái tình của nàng đối với đám người tỵ nạn lôi thôi lếch thếch, đầy ấm áp thân thương. Của cho đâu quí bằng cái tình cho. Số người đông quá nàng phải trở đi trở về cả chục bận:

Gió đẩy đưa rau dừa dìu dịu
Anh cảm thương nàng lịu địu xuống lên


Nắng đã bắt đầu tỏa hơi nóng, hai má nàng ửng đỏ hồng. Nước uống hoài mà cổ họng vẫn còn khát khô. Ai nấy đều như say sóng lảo đảo. Con nhỏ Thủy Tiên, con út Tư Trần Hưng Đạo nắm tay anh lắc lắc:
-Ba ơi, sao cái đảo nầy nó nhúc nhích. Mỗi lần sóng đánh, con thấy nó lắc lư.
Tôi bật cười định giải nghĩa cho em hiểu. Nào ngờ, người đẹp đảo Dừa đã trả lời thay bằng tiếng Việt. Cả đám há hốc miệng ngạc nhiên. Nàng cười tươi tắn, hai hàm răng đều như hạt bắp, má lúm đồng tiền:
-Không phải đâu em. Tại mình đi trên ghe lâu ngày, người lảo đảo nên mình tưởng như vậy. Vài ngày nữa là hết.
Cô bé được trả lời, thỏa mãn cười ngỏn ngoẻn. Tôi còn thoả mãn hơn em nữa vì thắc mắc đã được giải đáp, bèn quay qua nói với vợ:
-Đó em thấy chưa, anh nói cổ là người Việt Nam mà em không tin...

Tư Trần Hưng Đạo định hỏi dò vài tin tức nhưng cùng lúc đó Tăn Ku đã sấn đến, đưa gậy chỉ vào trong đám lá dầy đặc. Cô ta quay gót trở lui không kịp từ giã. Đôi dép cao su mới màu trắng, gót son đỏ hồng. Tôi nhìn theo thấy những dấu đi trên mặt cát mịn màng mà lòng băn khoăn xao xuyến. Đột nhiên tôi cảm thấy thương thương, buồn buồn. Nàng là ai? Ở đâu đến đây? Tại sao lại ở trong ‘đám lá tối trời’ tận bên trong? Chắc cũng là người tỵ nạn nhưng sao lại quần áo sang trọng, son phấn đẹp đẽ? Tại sao nàng lại biết nói tiếng Mã Lai? Nàng có liên hệ gì với Tăn Ku không?

Cuộc điểm danh đã xong hồi nào, tôi không hay. Mọi người đã tản mát khắp nơi, tôi vẫn còn đứng ỳ tại chỗ. Bây giờ Tăn Ku lấy gậy vạch một đường thẳng trên bãi cát, lấy chỗ cây dừa mọc nghiêng trên ra mí nước để làm ranh giới. Hắn hăm he, bất cứ ai cũng không được bước ra khỏi lằn ranh chỉ định. Bất tuân sẽ bị phạt theo kỷ luật. Xong rồi, hắn kéo một đám lính độ bảy tám tên, bắt Hủ Tiếu và Nhựt Bổn đi theo, cùng trèo lên chiếc BL 1648 để lục soát tìm vàng bạc châu báu. Chiếc ghe được cột sát vô gốc dừa trông thê lương tàn tạ. Mới có một đêm một ngày mà sao xơ xác. Sau đó đám thủ hạ của Hủ Tiếu được lịnh lên ghe khiêng gạo muối cùng nồi để nấu cháo phát cho mọi người. Vì là chủ tàu nên khi đi Hủ Tiếu có đem theo được đủ bộ nồi niêu xoong chảo, dụng cụ hành nghề của ông ta. Cái nồi thiệt to và cái bếp đun bằng dầu. A Son, con rể Hủ Tiếu đứng bơm bình dầu, ngọn lửa khè ra xanh lè, miệng hò hét vang rân. Dân thủy thủ chạy đi lấy nước. Một số còn lại trong các thùng ny lông trên ghe, một số lấy thêm ở đằng giếng. Giếng ở cuối con đường mòn, gần đồn lính. Nước giếng rất trong uống ngọt nhưng khi đem nấu sôi lên, dưới đáy nồi đóng một lớp cặn dầy màu trắng đục như sữa. Có lẽ là chất đá vôi hoặc san hô tan lẫn trong nước. Cháo nấu xong, mọi người chen nhau giành giựt. A Son tay xô tay gạt, mồ hôi chảy đầy mặt. Anh cầm cái giá dài bằng nhôm múc đầy từng chén đưa đến. Khi đến phiên tôi, nồi cháo đã cạn, anh vét tận đáy, chỉ được nửa chén lưng lưng. Tôi đem về để thêm bột cá chà bong, dành riêng cho Bi. Tôi và Duyên chỉ ăn có chút xíu đậu phọng rang với đường. Các món nầy có được là là nhờ mang theo luôn bên mình trong cái túi nhỏ.

Trong lúc mọi người quây quần ăn cháo sáng, cười nói ồn ào, nhộn nhịp thì bọn lính Mã trên ghe tha hồ lục tung đống hành lý để xét lấy vàng bạc, tiền của. Trên cái boong ghe chật hẹp, tôi thấy mấy người lính đi tới đi lui, chuyển các món quí giá vừa cướp được mang vô đồn. Sau khi thu đoạt hết những gì quí giá, Tăn Ku cho lịnh từng toán năm người lên ghe lấy hành lý cá nhơn. Thằng Zăm Bri đen thui, tóc xoắn, cái chưn cà vẹo nghiêng nghiêng, giống hịch con khỉ đột, tay cầm gậy tre, đứng canh ngay gốc dừa. Thiên hạ chen lấn nhau, xô đẩy nhau để được lên ghe trước. Thiệt tình, lúc nào cũng chen lấn giành giựt, chán hết sức! Mỗi khi có người vi phạm lằn ranh, bị thằng khỉ đột xử phạt bằng cách hít đất, nhẩy xổm, thụt ống dầu... như ở quân trường.

Vợ chồng tôi chờ hoài mà không tới phiên. Trời đã trưa, nắng chói lòa trên bãi cát. Sóng loang loáng nắng vàng từng đợt, từng đợt nhấp nhô. Chờ cho tới gần chiều. Người sao mà đông quá sức. Duyên được đi lên ghe trước. Nàng tìm lại được đủ hết các xách tay cùng cái ba lô vất bừa bãi dưới sàn ghe. Kế đó, tôi được lên theo. Đi vừa được mươi thước thì gặp nàng khệ nệ bưng xách đầy tay. Hai vợ chồng vừa đi vừa thở, khiêng về nơi bọn lính Mã kiểm soát. Một anh lính ngồi bên gốc dừa, trước mặt trải một tấm ny lông. Người mang hành lý đến phải mở tung cái xách tay ra để anh ta kiểm soát từng món. Tất cả các loại quân trang quân dụng đều bị tịch thâu. Bị lấy nhiều nhất là các loại vũ khí như dao búa, áo phao, dây dù, dao găm... Tiến bị lấy mất nguyên một bao dây dù mà ba tôi cho để đem theo giăng lều. Thằng lính Mã Lai lục lọi trong cái xách tay, đụng phải một cái gói giấy ny lông, mừng rỡ tưởng là tiền đô la bọc kín. Anh xé cái bao. Tôi thót ruột. Trời, mấy cuốn sách cũ xì gần mục nát, cái bàn tay hộ pháp sần sùi của thằng quỉ dịch nầy cầm đã muốn rách rồi, mà nó còn xé ra nữa.... Rủi nó rách thêm thì tôi đau đớn lắm. Nó dở ra thấy trang nào trang nấy chữ Tàu đen thui, nghinh mặt hỏi tôi bằng tiếng Anh:
-Cái gì vậy?
Tôi hồi hộp trả lời:
-Cuốn sách chữ Tàu đó. Cũ lắm rồi, ông làm ơn nhè nhẹ dùm, coi chừng rách.

Nó cười, quăng xuống đất. Tôi mừng quá, cúi xuống lượm lên, phủi sơ qua cát bụi, đút gọn lại trong xách tay. Thế là thoát nạn, bộ sách quí nhứt của tôi. Cũng may nó không lấy món gì. Quần áo đồ đạc tuy đã gói kỹ lưỡng bằng bao ny lông, vậy mà vẫn ướt mem vì cái ba lô bị quăng xuống dưới hầm ghe, ngâm trong nước tiểu, nước biển, nước ói mửa... Tất cả đều nặng chình chịch. Hai vợ chồng khiêng xách hết muốn nổi. Phải đem giặt ngay vì quá dơ dáy, hôi hám. Tôi đem tất cả ra ngoài ghềnh đá, tận cuối bãi, coi sóc lại từng món. Xung quanh mọi người cùng ùa ra ra tắm rửa, giặt giũ. Nước trong xanh ngăn ngắt. Buổi chiều nắng tuy còn sáng trưng nhưng đã hết nóng. Tứ bề gió thổi lồng lộng. Trời thì thiệt cao và biển thì thiệt rộng. Lòng tôi trải dài theo từng cơn sóng nhịp nhàng, từng giạt nắng lung linh. Tôi lựa một tảng đá trắng to, bằng phẳng như một mặt bàn, rồi để tất cả quần áo dơ bẩn lên đó, lấy xà bông giặt và xả cho sạch. Thỉnh thoảng có vài lượn sóng lớn từ xa chạy ùa vô thiệt lẹ, chồm cao trên mặt đá, ùa vào cuốn phăng tất cả, đánh tạt ra tứ tung. Tôi phải chạy lỏm bỏm dưới nước để lượm lại từng món. Dơ nhứt là cái mùng. Nó lớn rộng quá lại dính đủ thứ tạp nhạp. Tôi phải giũ tung ra và phải xả đi xả lại nhiều bận. Đồ đạc bằng vải vóc mà giặt bằng nước biển như vầy thì chỉ dùng tạm một thời gian ngắn, chừng vài tháng nữa là mục nát. Nhưng đâu có cách nào hơn. Dầu sao có cũng còn hơn không.

Tôi ôm đống quần áo vừa giặt xong, khệ nệ vác về chỗ cũ thì trời đã ngã về chiều. Bãi cát đã thưa người. Mỗi gia đình đều tìm chỗ bằng phẳng để dựng lều tạm ngụ qua đêm. Ai nấy đều yên nơi yên chỗ, chỉ còn tôi là người chậm lụt trễ nãi nhứt. Tự nhiên người Việt và người Hoa tách đôi ra. Bên Việt Nam thì chọn đám đất dưới rừng dừa, đám Hoa Kiều thì chùm nhum lại dưới những cây bàng ở sát bên vách đá cuối bãi. Tôi đứng nhìn địa thế một hồi, bèn chọn một lõm giữa lều của anh Tư Trần Hưng Đạo và lều của anh chị Thuần. Phía sau có lều của chị Kiều, chị Huệ, phía sau nữa là lều của chị Điệp và Mai. Tôi lấy tấm ny lông trải thẳng ra trên cát, mấy cái bông trắng in xen với những sọc vuông đỏ coi cũng khá đẹp. Hai cái xách tay dằn ở đầu làm gối, giăng cái mùng ướt nhẹp vừa giặt xong bằng bốn sợi dây nhợ gá vô mấy gốc dừa. Bốn bề tuy trống hốc nhưng bên trên là những tàu dừa dầy đặc, lo gì gió sương.

Vì lo giặt giũ và ngắm trời nước mênh mông, tôi sơ ý không tìm lấy thùng ny lông để đựng nước và đi lục tìm các quần áo, vật dụng còn thất lạc, đồng thời việc cần thiết nhứt là kiếm gạo để ăn. Trên ghe còn nguyên tám bao gạo chỉ xanh, buổi sáng A Son đã lấy một ít để nấu cháo. Người ta túa lên ghe để lục tìm các loại thực phẩm, trong khi đó tôi lui cui kiếm dây nhợ để giăng mùng! Cái điệu nầy chắc phải ngủ hoài mà không cần ăn! Cũng may, mấy đứa em có được một bao gạo nhỏ. Tụi nó sớt cho tôi một bịch cỡ ba kí. Tư Trần Hưng Đạo vác về một bao muối. Tôi xin một gói nhỏ. Thực phẩm đem theo còn nguyên, cốm dẹp, thịt cá chà bong, đường chanh, muối tiêu, tỏi, đậu phọng rang, mứt gừng, sữa bột...

Trời chập choạng tối. Ngoài bờ nước, người ta rầm rập đem cưa, búa, đục, xà beng phá tung các vỏ ghe nằm rải rác đây đó để lấy ván cột về dựng lều. Tiếng búa nện đùng đùng, chan chát gấp rút, hối hả vang đi, vọng lại từ vách đá, trong bóng chiều xuống quạnh hiu. Những bóng người leo trèo nhảy nhót trên mui, trong khoang ghe trở nên chập choạng, tù mù. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng kêu thảng thốt, đau đớn, bèn giựt mình đứng lên coi chuyện gì đã xảy ra. Một người nhỏ con trần trụi, nằm lăn trên bãi cát, ôm lấy hai chưn rên rỉ. Coi lại thì là Xám Mã Chải leo lên ghe kiếm cột dựng lều, từ trên cao nhảy mạnh xuống bị trật chưn nặng. Bạn bè bu quanh, kiếm thuốc, kẻ bóp người thoa. Cuối cùng phải cõng anh về lều. Từ đó Xám Mã Chải phải nhảy cò cò suốt thời gian ở đảo. Tôi đứng nhìn cái mùng mới giăng, vừa ý hết sức. Giăng cao thẳng thớm, tối nay dùng để ngủ mà cũng là để phơi. Khí hậu Mã Lai thiệt nóng bức. Nhiệt độ trung bình khoảng ba mươi lăm độ, tháng nầy trời lại không mưa, vả lại ở đây chỉ có vài ngày thôi, dựng lều kỹ lưỡng chi cho mất công. Ăn thì nhiều chớ ở đâu có bao nhiêu! Trời tối lại không có đèn, nên đi ngủ sớm. Ai nấy đều mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Chuyện gì cũng dẹp hết để ngày mai lo tiếp. Vợ chồng con cái, vừa lớn nhỏ ba người, chen vô cái mùng ướt nhẹp, ngủ một giấc ngon nhứt trong đời.

Ở trên cao bầu trời thăm thẳm như nhung, những vì sao sáng nhấp nháy như mừng cái hạnh phúc đơn sơ của những người vừa bỏ xứ, có tạm một chỗ dung thân. Trong cơn mơ màng tôi thấy người đẹp đảo Dừa đi trong khu vườn cao su, cũng cái áo thun vàng, cái quần tây trắng, cũng mái tóc buông lơi. Cảnh buổi chiều trời vừa tắt nắng âm u.

Khởi tri lưu lạc phục tương kiến
Man phong Đản vũ sầu hoàng hôn.


(Rồi lưu lạc ai ngờ là ước hẹn,
Gió Mường, mưa Mọi sầu phủ chiều hoang).

Thơ Tô Đông Pha, Tuệ Sĩ dịch.


Võ Kỳ Điền
(Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ, Chương 12)
 

 


 

art2all.net