phạm ngọc lân

 

 

Đợi Anh Về

 

Nhạc của Văn Chung (1914-1984)
Ý thơ của Konstantin Simonov (1915-1979)
Phạm Ngọc Lân đàn và hát

 


 


          Văn Chung là một nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Bắt đầu sáng tác từ 1935, và cùng với Lê Yên và Dzoãn Mẫn thành lập nhóm Tricea ở Hà Nội. Sau đó ông tham gia kháng chiến và trở về Hà Nội năm 1954, công tác tại Bộ Văn hoá.

Konstantin Simonov là một nhà thơ, nhà văn và biên kịch Nga. Bài thơ Đợi Anh Về viết năm 1941, trong chiến tranh chống Đức quốc xã, viết tặng người yêu trong lúc ông trong quân đội. Đúng thời kỳ chiến tranh, nên bài thơ nhanh chóng nổi tiếng và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu dịch từ bản tiếng Pháp, và phổ biến trên báo chí từ năm 1949. Sau đó nhạc sĩ Văn Chung phổ nhạc một phần bài thơ này vào khoảng 1954.

Phần đọc giữa bài hát diễn tả một ý quan trọng trong bài thơ của Simonov, không có trong ca khúc của Văn Chung, đó là : “Anh sống sót vì biết có em đợi anh”.

 


Em ơi ! Đợi anh về !
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Thì em ơi em cứ đợi

Em ơi em cứ đợi
Dù gió lên bão nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé
Tim anh dù vắng vẻ
Lòng anh dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi em cứ đợi

Đợi anh anh lại về trong tiếng cười ngạo nghễ
Đợi anh anh lại về trong tiếng cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ hẳn cho sự tình cờ
Ai ngày xưa rơi lệ nào có biết bao giờ
Nào có biết bao giờ bởi vì em ước mong
Nào có biết bao giờ bởi vì em trông ngóng
Trông cho tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về
Anh của em lại về
Anh của em lại về

Nguyên văn bài thơ Tố Hữu, dịch thoát từ bản dịch tiếng Pháp :

 

Đợi Anh về.

Em ơi, đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé,
Mưa cứ rơi dầm dề
Ngày cứ dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi.

Dù tuyết rơi gió nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé.

Tin anh dù vắng vẻ,
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi, cứ đợi.

Em ơi, em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại

Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!

Đợi anh, anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ

Nào có biết bao giờ
Bởi vì em ước vọng,
Bởi vì em trông ngóng
Tan giặc, bước đường quê
Anh của em lại về.

Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi.

Bản dịch sát nghĩa của Thân Trọng Sơn (Đà Lạt, 2010) :

Hãy Đợi Anh

Đợi anh em nhé, anh về,
Vững lòng chờ đợi, em nhé,
Hãy đợi, khi mưa thu vàng
Gợi lòng người buồn tái tê.
Hãy đợi, khi đông tuyết giá,
Hãy đợi, khi hạ nắng thiêu,
Hãy đợi, khi qua ngày tháng,
Không còn ai chờ đợi ai.
Hãy đợi, khi từ xa lắc
Thư tin chẳng mấy khi về
Hãy đợi, khi người cùng cảnh
Chán chê, chẳng thiết đợi chờ.

Đợi anh em nhé, anh về,
Những điều tốt đẹp đừng chúc
Cho ai vẫn tâm niệm rằng
Đến nay quên là phải lúc.
Cho dù cả con và mẹ
Đều tin là anh không còn.
Cho dù bằng hữu bỏ cuộc
Ngồi bên bếp lửa quây quần
Cùng nhau uống ly rượu đắng
Tưởng niệm linh hồn bạn thân
Thì em cũng hãy cứ chờ
Đừng vội cùng người nâng cốc !

Đợi anh em nhé, anh về,
Kiêu hãnh nhạo cười cái chết
Cứ để ai không chờ đợi
Buông lời : Chỉ may đấy thôi !
Không đợi, làm sao họ biết
Giữa làn đạn lửa bom mưa
Việc em trông ngóng đợi chờ
Đã cứu cho anh khỏi chết.
Em ạ, chỉ đôi ta thôi
Hiểu nhờ đâu anh sống sót :
Đơn giản vì em biết đợi
Không như bao nhiêu người khác.

Thân Trọng Sơn dịch theo bản tiếng Anh : Wait for me, tham khảo bản tiếng Pháp : Attends-moi.
Trích từ trang mạng :
http://sonthan.blogspot.com/2010_08_01_archive.html

 

 

 

______________________

 

 

Chú thêm của a2a :

1. Mời đọc bài viết "Hãy Đợi Anh" của Thân Trọng Sơn tại đây :

http://art2all.net/tho/tho_tts/haydoianh.html

2. Mời đọc thêm chi tiết về bản nhạc Đợi Anh Về tại mạng :

http://sachxua.net/forum/index.php/topic,7460.15.html

 

 

 

art2all.net