Bài “Rừng xưa đã khép” được in năm
1972 trong tập nhạc “Như cánh vạc bay” (nhà xuất bản Nhân Bản)
gồm nhiều bài nhạc tình bất hủ của Trịnh Công Sơn như “Tình nhớ”,
“Tình xa”, “Ru em ngậm ngùi”, “Như cánh vạc bay”, v.v...
Tình khúc này tương đối ngắn, gồm ba đoạn, mỗi đoạn bốn câu.
Trịnh Công Sơn viết nhạc của hai câu đầu giống hệt nhau trong cả
ba đoạn, và cố ý phân biệt ba đoạn bằng cách viết nhạc khác nhau
cho hai câu sau của mỗi đoạn.
Nhưng có một điều bí ẩn cho người viết mấy dòng này là câu “Rừng
đông cuốn gió” được Trịnh Công Sơn viết “mi sol si rê”, rõ ràng
là hợp âm Em7 nghe rất lãng đãng, chuẩn bị cho “Em đứng bơ vơ”
ngay sau đó, nhưng hầu như tất cả ca sĩ đều hát “fa la đô đô”,
giống như câu “Rừng xưa đã khép” ở cuối bài. Những ca sĩ này hát
từ khi ca khúc mới ra đời, tất nhiên TCS cũng đã nghe, đã biết,
nhưng không thấy nói gì, và đến bây giờ, sau khi TCS qua đời, ca
sĩ vẫn hát khác với bản nhạc nguyên thuỷ như thế. Tại sao? Bạn
nào có lời giải thích thoả đáng xin cho biết.
Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa
Rừng thu lá úa em vẫn chưa về
Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ
Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào
Ta vẫn mong ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu
Ta vẫn mong em về đây cho đời bày cuộc vui
Mùa xuân đã đến em hãy quay về
Rừng xưa đã khép em hãy ra đi
Rừng xưa đã khép Rừng xưa đã khép Em hãy ra đi
Rừng xưa đã khép Rừng xưa đã khép Em hãy ra đi