Bùi Kim Chi

 

LÁ VÀNG XÔN XAO

 

Nha Trang

 

          Trời đã sang thu, mát mẻ. Mây lang thang lần theo những giọt nắng qua trời. Niềm vui xôn xao. Thật không thể ngờ được những cô bé 11, 12 tuổi của Trường Đồng Khánh năm xưa lại có dịp được cùng nhau đi Trại như hồi còn nhỏ cách đây trên 50 năm. Trại được tổ chức tại Nha Trang, thành phố Biển rất tốt cho sức khỏe của các “cô bé lớn tuổi” - U70.

Trại chỉ có 7 người nhưng rất vui, không thể tưởng được (vắng Nguyễn Cúc, Hồ Hoa, Nguyễn Xuyến, Đỗ Ánh, Diệu Minh và lớp trưởng Ngọc Thạch do bận việc gia đình không tham gia được). Một trại, hai lều. Lều 3 và Lều 4. Bảy trại trưởng nhưng đồng thời cũng là bảy trại viên. Ai cũng là “trưởng” (trưởng trại, trưởng lều) và ai cũng là “viên” (trại viên, lều viên) cả - Già mà. Không ai chịu thua ai. Phật nói: “Sân si”. Ai cũng có nghe, có biết nhưng tâm chưa tịnh được. Nhưng tụi mình là các “cô bé lớn tuổi” nên phải nhường nhịn nhau mới vui vì giận thì phải nói nhiều mà nói nhiều thì mệt, phải thở. Rứa là ho và mệt tim. Già rồi nên tụi mình phải giữ gìn sức khỏe. Nhớ nghe các bạn. Có như thế thì tụi mình mới cùng nhau tổ chức được “Trại Lá Vàng Đồng Khánh U70” như hôm nay. Sợ nhất là “già mà giận” thì mệt lắm - mất ngủ.

Điện thoại qua, điện thoại lại… Ngày đi, ngày về, đi mấy đứa, đứa mô đi, đứa mô không (răng rứa?), vé tàu, ngồi hay nằm, có điều hòa không, nhà nghỉ, khách sạn… Hớn hở, cười… Ui cha ơi, là vui! Vui ơi! Kêu tên mi rứa mi có giận không Vui? (Huỳnh Thị Vui). “Không, tau không giận mô”. Ừ, con Vui dễ tính. Tôi biết chắc như rứa. Tôi liên hệ với Hồng Liên ờ Nha Trang nhờ đăng ký khách sạn. Rứa là yên tâm về chuyện “đất cắm” của Trại Lá Vàng. Tin nhắn của Nguyễn Thị Sửu qua Viber (ghê chưa, già cũng sử dụng Viber như ai): “Chúng mình có đem theo áo Ngọc Khánh, mặc giống nhau không?”. Dĩ nhiên là các “cô bé lớn tuổi” đồng ý đem theo áo hoa màu hồng, đồng phục do Ngọc Khánh tặng. Lại email của Sửu (oai quá, già cũng lên mail như thường): “Vé tàu đã mua, 2 lượt (đi và về). Sài Gòn đi Nha Trang, tàu SE4, ngày đi 11/9. Giờ tàu chạy: 22 giờ, toa số 2. Ghế ngồi mềm điều hòa: Kim Chi 42, Lâm Kim Cúc 43, Nguyễn Khoa Diệu Ánh 45, Huỳnh Thị Vui 46, Lê Kim Cúc 47, Thái Thị Thởi 48. Sửu sẽ có mặt ở Ga sớm, ngồi gần chỗ cửa ra tàu để giao vé cho các bạn. Nếu bạn nào đến sát giờ tàu chạy, cứ vào cửa, họ có hỏi thì cứ nói, đã có vé ở toa số 2”. (“Bé lớn tuổi” nên không sợ ai).

Hôm nay thứ 4 (9/9/2015), tôi điện thoại nhắc các bạn mang theo chứng minh nhân dân và đồng phục… Nhớ nghe! Trại của mình là trại “Lá Vàng” cuối mùa xôn xao. Rồi cả 7 đứa hớn hở, chờ đợi ngày lên tàu đi Nha Trang. Một thoáng tưởng tượng rất dễ thương chợt đến với những “Chiếc lá vàng U.70”… Chỉ còn ngày mai. Ngày mốt là lên đường. Xôn xao, rạo rực. Có đứa mất ngủ. Tôi chợt nghĩ đến Diệu Ánh. Sẽ nói Ánh làm hướng dẫn viên của trại. Chắc mấy “cô bé” cũng đồng ý, không ai giành vì có “mệ” mô biết đường sá ở mô mà chịu với không. Diệu Ánh có thời gian ở Nha Trang khá lâu (trên 30 năm). Quá hợp lý. Điện thoại reo. Tôi vội vàng bắt máy. “Chi ơi, các bạn đi chơi vui quá. Mình rất tiếc. Nếu biết sớm Chi có kế hoạch tổ chức thì mình đã sắp xếp tham gia được rồi…”. Hồ Hoa tâm sự và tiếc cho cuộc đi. Hoa dễ thương và có tấm lòng với bạn nên đã tặng cho trại Lá Vàng hai hộp café G7. Cám ơn bạn Hoa.

 

 

Ngày 11 tháng 9 năm 2015

Tôi lên đường đi Sài Gòn. Đường Biên Hòa - Sài Gòn không xa… Nắng Sài Gòn xôn xao trải dài trên đường như lòng tôi cũng đang rộn rã một niềm vui. Một ngày sẽ qua và một niềm vui mới cũng sắp đến… Điện thoại reo: “Chi đi chưa? Diệu Ánh hả. Chi đang trên xe bus, sắp đến Sài Gòn. “Hồi hôm Ánh không ngủ được Chi ơi!...”. Tôi đến Sài Gòn khi trời sắp tắt nắng. Nắng sắp tắt, Sài Gòn đẹp hẳn lên. Gió nhẹ, mây chuyển màu trên tầng cây xanh lao xao với những giọt nắng cuối. Lòng tôi êm đềm thoáng một chút hân hoan khi nghĩ về các bạn - những cô bạn thời trung học rất dễ thương và đáng yêu của tôi.

Điểm đến đầu tiên của tôi là nhà của bạn Nguyễn Xuyến. Tôi và Lâm Cúc hẹn gặp nhau ở nhà Xuyến để hai đứa cùng nhau ra ga Sài Gòn. Xuyến niềm nở đón tôi. Bạn lăng xăng cho tôi ăn một tô nui nấu sườn non rất ngon, còn năn nỉ tôi ăn thêm một chén cơm nhỏ (ăn cho chắc bụng vì đi tàu cả đêm). Xuyến rang tôm răng mà ngon quá. Tôi ăn cơm ngon lành. Lâm Cúc đến sau cũng được thưởng thức một tô nui lớn, không ăn cơm vì đã ăn ở nhà. Nguyễn Xuyến cũng thương bạn nên gửi tặng các bạn một bọc cam xoàng ngọt lịm và một bọc bưởi da xanh ruột đỏ hồng rất ngon - Cám ơn bạn rất nhiều. Điện thoại reo. “Chi đi chưa. Vui đang ở ga. Ừ, có lẽ 8g tối Chi có ở ga, chờ hí.”. Điện thoại lại reo: “Chi ra ga chưa. Răng Lê Cúc chưa đi mà còn ở đó. 9g kém 15’ mình mới đi. Rứa há?”…

Taxi đưa tôi và Lâm Cúc đến ga Sài Gòn lúc 8g30’ tối. Đến nơi đã có Huỳnh Vui, Diệu Ánh, Thái Thởi và Nguyễn Sửu. Gặp nhau. Mừng rỡ. Còn một bạn chưa đến. Chờ… Chờ…Huỳnh Vui nôn nóng: “Con Lê Cúc răng mà chưa tới. Cửa ra tàu mở rồi đó”. “Nó nói 9g kém 15’mới đi. Chừ hắn chưa tới mô”. Cả “bầy chim non” ngồi chờ. Ríu ra ríu rít. Rồi, đứa đứng lên, đứa ngồi xuống bậc thềm sân ga. Nóng nảy. Già rồi thành ra con nít. Thông cảm. Từ xa Lê Kim Cúc hối hả đi đến. Cả bầy nhốn nháo. “Đi hè !”. “Lên tàu ngồi cho khỏe”. “Nhớ cầm vé trên tay”. Rứa là cả “bảy cô bé lớn tuổi” lần lượt ra cửa lên tàu. Ga Sài Gòn bữa nay khang trang, đẹp mắt, văn minh lịch sự. Vào cửa ra tàu không phải bị kiểm soát vé, chen chúc, đùn đẩy nhau. Lên tàu, phụ trách toa xem qua vé của từng khách rồi thôi. Nhẹ nhàng. Thoải mái. Số ghế của tôi là 42. Lâm Kim Cúc vào ngồi đúng chỗ của mình với số ghế 43. Tôi vào ghế 42. Tôi nghĩ 42 thì ngồi bên cạnh 43 là đúng rồi ai ngờ bên cạnh 43 là số 44. Số ghế của Sửu 44 là người ngồi cạnh Lâm Cúc. Vì thế Sửu mất chỗ phải ngồi ở ghế 42 của tôi (ngồi một mình). Các bạn khác đã có cặp. Sửu sợ không dám ngồi với người lạ bên cạnh thế là “gương mặt giận” xuất hiện. Tôi trả lại ghế 42 cho Sửu. Bây giờ Sửu lại “làm le” không chịu nữa - giận mà. Thế là người khách ngồi ghế cạnh Sửu phải chạy sang ngồi vào ghế số 42 của tôi. Cuối cùng tôi và Sửu ngồi cạnh nhau. Biết tội (lanh chanh ngồi lầm chỗ) nên tôi vẫn vui vẻ với Sửu. Thế là hai đứa “vui bên nhau”. Tất cả yên vị - cười. Những nụ cười U.70 tươi rói và quá dễ thương (hơn ngày thường ở nhà). Sửu chụp hình, Lâm Cúc chụp hình (cả hai đều sử dụng Ipad, rất chi là le). Mặt mệ nào cũng vui cười hớn hở? Tội nghiệp Lâm Cúc ngồi lẻ một mình với khách lạ, hàng dưới là Lê Cúc và Huỳnh Vui. Dãy bên phải là Kim Chi - Sửu. Hàng dưới là Thái Thỏi - Diệu Ánh. Ngồi một mình nên nói chuyện với các bạn,. Lâm Cúc phải quay người lui và xoay người ngang. “Tội nghiệp con dâu của tui ghê!”. Mạ Kim Chi nói. Thế là một tràng cười thoải mái của các “cô bé U.70”. Rồi đứa ngủ. Đứa thức. Đứa nói chuyện rầm rì chờ trời sáng… Tàu vẫn xình xịch chạy đều đều, có khi gập ghềnh, có khi nhanh, khi chậm rồi cũng đến ga Nha Trang khi trời sắp sáng…
 

Ngày 12 tháng 9

Vội vã xuống tàu rời ga Nha Trang lúc 5g30’ sáng. Đất cắm đầu tiên của Trại Lá Vàng là nhà khách Đường Sắt số 23 Thái Nguyên. Hai lều ở tầng 3 (lều 3 số 204, lều 4 số 205). Mặc dù là “cô bé” nhưng “bé lớn tuổi” đi lên đi xuống lầu mệt tim nên tất cả trại viên nhất trí cắm tại đây một ngày, sau đó tìm “đất” khác. Tắm rửa xong, tất cả các trại viên tập trung dưới sự hướng dẫn của Diệu Ánh (hướng dẫn viên) đi ăn Bún chả cá ở quán Vân Cảnh, đường Phan Bội Châu. Bún cá ở đây rất ngon. Mọi người ai cũng có nhận xét như nhau. Ăn sáng xong là sang tiệm Café Winner, ngã tư gần quán Bún chả. Người đen, người đá, người nóng, người bạc xỉu… Ui cha ơi, rộn đám. Ăn sáng, uống café xong mấy “bé” lên đường đi Tháp Bà. Taxi qua cầu Xóm Bóng mát mẻ. Nơi đây cách đây 44 năm lần đầu tiên tôi được đi qua cùng chồng tôi. Cầu không được đẹp như bây giờ nhưng cầu Xóm Bóng ngày ấy đã giữ lại một kỷ niệm đẹp và dễ thương của vợ chồng tôi - đã có một tấm hình rất đẹp (vừa cảnh, vừa người). Đến Tháp Bà. Trời nắng. Các mệ thấm mệt. Cảnh Tháp và phong cảnh trời, mây, nước quanh tháp đã réo hồn các mệ. Thế là, đùng một cái, bảy mệ Huế Đồng Khánh trở thành bảy “thiếu nữ lớn tuổi” trẻ trung, xinh xắn và đẹp - chụp hình tới tấp. “Sửu, chụp cảnh này cho tau với”. “Lâm Cúc, tau ở đây, mi chụp cho tau”. “Tụi mình chụp chung”. “Con Sửu ra chụp, cho con Lâm Cúc vào”. “Nhờ cậu nớ chụp cho tụi mình để đủ mặt cả bảy đứa”. Thiếu nữ Đồng Khánh ngày xưa - xôn xao, rộn ràng. “Lâm Cúc làm răng mà đẹp bằng tau được”. “Ừ. Cho mi đẹp hơn tau đó”. “Con Thởi tóc rứa mới sang”… Ui cha, các bạn vô cùng ngây thơ và dễ thương. Trời đã đứng bóng, đứa ngồi, đứa đứng, đứa quạt như con nít. Rồi đói bụng vì chạy đến chỗ này, chỗ khác chụp hình nên “bé đói bụng”. Thế là đi ăn trưa. Quán cơm 22 Thái Nguyên niềm nở đón chúng tôi. Cô chủ Thái Nguyên xinh xắn nhanh nhẹn. Một bữa cơm trưa thật ngon miệng. Bây giờ phải về trại Thái Nguyên. Nói là nghỉ nhưng thật ra không có bạn nào nghỉ cả, toàn là “nói”. Dễ thương ghê. Tất cả đều chờ đúng thời điểm maquiller để đi chơi tiếp.

Buổi sáng đã trẻ đẹp, buổi chiều các mệ lại diện đẹp và trẻ trung hơn nữa - các thiếu nữ thơ ngây 70 lá. Kim Chi mặc áo màu lục non, có hai tà màu trắng tung bay phất phới hai bên. Huỳnh Vui áo đen, hai cánh tay và một bên ngực áo có hoa màu vàng nâu, tóc dài bồng bềnh hơi “rối ren” như Brigitte Bardo. Lê Cúc áo xanh dương đậm, ngực và hai tay áo có mấy sọc xanh nhạt nhưng rất nổi, mặt trắng tròn giống búp bê. Lâm Cúc điệu đàng với áo pul xanh nhạt, có suối tóc để một bên - hắn hay khoe như rứa. Thái Thởi áo vàng hoàng hậu, tóc chải ngược và bới cao (rứa mới sang). Sửu hiền lành với chiếc áo đen (em hiền như Masoeur). Diệu Ánh áo hoa màu đen pha nâu rất dễ thương. Hướng dẫn viên Diệu Ánh già mà còn nhanh nhẹn lắm - có lẽ không bao giờ bị các mệ truất ngôi. Bữa nay trông đẹp và trẻ ra. “Bây giờ tụi mình đi ăn Nem Nha Trang ở 15 Lê Lợi”. Thật ra ăn cho các bạn biết đặc sản chứ tiệm này không ngon lắm. Hình như có một quán Nem khác ngon hơn, tôi không nhớ quán nào. Bảy mệ ăn 4 phần mà không hết thêm 5 cái, vừa chả vừa nem - cũng không ngon. Thế là thôi… Taxi đưa chúng tôi ra Biển Nha Trang. Đến nơi, các bạn chạy khắp nơi tìm chỗ chụp hình. Điệu nhất là con Lâm Cúc, hắn xỏa tóc một bên “Suối tóc mơ huyền”, đứng ôm cây dừa nghiêng đầu “cô đơn” chụp hình. Diệu Ánh chụp hình cho nó liên tục - chị em với nhau mà. Tức mình, tôi nói: “Cúc, mi chụp cho tau”. Tôi chạy đến đứng cạnh chiếc xe đạp màu đỏ “demi đua” của ai đó. Mượn tạm chụp hình. Chụp xong, Lâm Cúc cho xem liền. Trời đất đẹp chi lạ. “Lâm Cúc làm sao đẹp hơn tau được”. “Ừ, hắn cứ đòi đẹp hơn Cúc. Cho mi đẹp hơn tau đó”. Già rồi mà răng đứa mô cũng ưng chụp hình. Ưng chụp nhất là con Thái Thởi và con Huỳnh Vui. Hắn ưng chụp nhiều để lên Facebook gửi cho các bạn và con cháu ở nhà xem. Chụp hình chán, bây giờ mới đứng ngắm biển. Sóng biển rì rào, sóng to, sóng nhỏ trắng xóa. Gió từ biển Thởi vào mát rượi. Tâm hồn thanh thản. Một chút Thuận An của Huế lại về … Các mệ ngắm biển xôn xao mà nhớ về thuở còn đi học với những lần được cô giáo tổ chức cho đi biển Thuận An. Xin mạ “gãy lưỡi” mới được cho đi…

Trời sắp tắt nắng. Mọi người lao xao phải về trại sớm để còn tháo lều trả lại đất cho Thái Nguyên.

Dưới sự hướng dẫn của Huỳnh Thị Vui, các trại viên lần lượt kẻ trước người sau chuyển đất cắm trại. Đất trại lần này ở khu đô thị mới Điềm Vĩnh Trung trong Biệt thự “Hoa Vàng” lộng lẫy số 20 đường số 3. Chủ nhân là một đôi vợ chồng trẻ hiếu khách, trẻ trung, dễ mến. Hai lều được dựng đối diện nhau. Lều 1 có Thái Thởi, Huỳnh Vui, Diệu Ánh, Lê Cúc. Lều 2 có Kim Chi, Lâm Cúc, Nguyễn Sửu. Trại viên hai lều ổn định nhanh chóng. Một buổi tối thật vui nhộn. Chương trình bốc thăm trúng quà được diễn ra ở lều 1. Già rồi mà gương mặt mệ mô cũng vui cười hớn hở, mừng rỡ nhận quà. Kim Chi qui định, nhận quà là phải hát hoặc kể chuyện tình. Gần 70 mùa lá sắp rụng nhất định phải có chuyện tình. Rứa là mấy mệ lo sợ. Quà thì muốn nhận mà hát thì “già rồi nên không còn khả năng lên giọng". Còn chuyện tình thì thôi. “Mệ dị lắm”. Thế là hát tập thể. Cháu lên ba… Vui la lên… Cùng quây quần… Đèo cao… Tiếng vỗ tay, tiếng hát rộn rã một không gian phòng. Biệt thự “Hoa Vàng”, “sợ” mấy mệ luôn.

 

Ngày 13 tháng 9

Áo quần lượt là, mặt mày tươi rói. Bảy “thiếu nữ lớn tuổi” lên đường. Phở Bắc 34 Nguyễn Thái Học đón chúng tôi. Nữ chủ nhân niềm nở đáp ứng tốt các yêu cầu của các mệ (bây giờ ăn, các mệ già nên hơi khó tính không còn là “thiếu nữ” nữa)… Biển Nha Trang vẫy gọi tiếp, thế là hối hả ra biển. Sóng nước mênh mông. Một khoảng trời xanh xuống thấp trước mắt chúng tôi. Cô nàng Lâm Cúc, Diệu Ánh, Nguyễn Sửu, Huỳnh Vui xuống nước. Kim Chi, Thái Thởi, Lê Cúc ngồi uống café ở Bốn Mùa 54A Nguyễn Thiện Thuật trên bờ biển Nha Trang. Bốn mệ tung tăng dưới biển. Xô qua, đẩy lại. Nhào lên, hụp xuống. Các mệ khiếp hồn với những đợt sóng lớn. “Ham tắm”. “Rứa mới khỏe”. Tắm xong tất cả rủ nhau tìm chỗ chụp hình. Các mệ trở thành “thiếu nữ ngây thơ già”. Đứa mang gương mát, đứa nghiêng đầu, đứa vuốt tóc, đứa đưa tay, đứa tạo dáng và… điệu. Rứa là đứa mô cũng đẹp. Mà đẹp thiệt - không phải nói giỡn mô à nghe. Đã quá trưa. Hôm nay mùng một. Đa số các mệ có tu hành nên rủ nhau đi ăn chay. Cô Tấm ở số 5 Lạc Long Quân là quán cơm chay nổi tiếng Nha Trang. Món ngon vật lạ chay. Mọi người cùng thưởng thức. “Ngon quá”. Ngon mà rẻ. Tất cả đều khen món chay của cô Tấm… Về đến trại, lều của ai về lều nấy. Thế nhưng chỉ nửa tiếng sau, sau khi tắm rửa, trại viên của hai lều chạy qua chạy lại khoe hình của nhau trên điện thoại. “Cái ni tau đẹp”. “Cái ni tau xấu”. “Ừ, cái ni mi đẹp”… “Con Kim Chi đẹp, mi nhon. Giống con của tau”. “Ê, coi con Lâm Cúc điệu bây nì”. “Con Chi, mi là con của tau, giống con của tau chi lạ”. “Con Thởi, tau đập mi nghe”. Ui cha, rứa là lao xao, mi mi, tau tau, không ngủ.

16 giờ. Tất cả rộn ràng sửa soạn đến nhà của Hồng Liên. Chiều nay, Hồng Liên mời các bạn đi ăn cơm chay Thiên Ý ở đường Yessin - đây cũng là một quán cơm chay ngon. Phải nói, Nha Trang nấu đồ chay ngon. Cả bảy mệ Huế ăn chay ngon lành. Nguyễn Sửu ngoại đạo nhưng ăn chay theo bạn cũng rất tài. Còn khen ngon nữa. Trời sắp tối. Nha Trang lên đèn. Nhà thờ Đá đẹp, nhìn rất tây và sang trọng dưới mắt tôi. Đường phố đông vui, nhộn nhịp như lòng chúng tôi đang vui, đang được sống lại những ngày xa xưa của tuổi học trò trong ngôi trường con gái…

Biệt thự Hoa Vàng lấp lánh ánh đèn đêm…

Hai lều sinh hoạt cá nhân. Bên cửa sổ nhìn trời tôi vui và xúc động khi nghĩ đến bạn tôi - những cô bé Đồng Khánh ngày xưa. Hôm nay dù xấp xỉ 70 nhưng bạn nào cũng dễ thương, cũng mi mi, tau tau như thuở ấy… Thuở chúng mình là nữ sinh Đồng Khánh. Tôi cười, nhìn sang Lâm Cúc đang xem hình và cười to, gọi tôi . “Chi rứa mi?”. Lâm Cúc cho tôi xem tấm hình các mệ chụp chung rồi đưa tay chỉ vào đầu tóc của Thái Thởi: “Chi, coi tóc của con Thởi nì. Cái chi ri?”. Tôi cười, nói: “Cái chi ri hè!”. Thế là hai đứa vừa cười vừa chạy sang lều 1. “Thởi, cái chi ri mi?”. Thái Thởi ngồi dậy cầm Ipad xem. Kim Chi nói chi đó… rứa là cả lều phá lên cười “ra nước mắt”. Nguyễn Sửu bây giờ mới lò mò từ lều 2 sang. “Chi rứa bây?”.Thái Thởi lặng lẽ xóa hình- phi tang dấu tích. Nguyễn Sửu chưa xem được hình thế là ấm ức: “Răng mi xóa hình”. “Mi phải thông cảm cho tau…”. Máy của tau răng mi tự xóa hình”. “Ui cha ơi, làm chi mà máy của tau, máy của mi…”. Thế là Thởi giận. “Mi có phải là mạ tau mô mà la tau”. Hai đứa giận nhau ra mặt. Các trại viên lặng lẽ rút lui, ai về vị trí đó…

Yên lặng và ngủ…

 

Ngày 14 tháng 9

Rộn ràng. Trang điểm đẹp để sửa soạn đi chơi. Từ lều 2, Nguyễn Sửu chạy sang lều 1, sau lưng là Lâm Cúc và Kim Chi chạy theo. Nguyễn Sửu cười tươi nói với Thái Thởi: “Thôi, không có chi cả nghe. Đừng buồn Sửu”. Rứa là hai mệ ôm nhau cười. Hết giận. Dễ thương ghê ! Biệt thự Hoa Vàng lấp lánh nắng vàng tươi. Sang trọng và rất đẹp rứa là mấy mệ lao xao chụp hình. Đến bên hòn non bộ - chụp. Đứng cạnh xe hơi của chủ nhân - chụp (oai chi lạ). Bên các chậu kiểng - chụp. Chụp lui, chụp tới; mệt, thế là rời biệt thự đi chơi… Nhà Hồng Liên là Studio trang điểm Do Do, số 90 đường 23 tháng 10 khá nổi tiếng ở Nha Trang. Con gái của Hồng Liên mời các dì trang điểm tóc - miễn phí để đi chơi. Tội nghiệp, cháu tự tay trang điểm cho các dì thêm mẹ Liên nữa. Tổng cộng là 8 đầu tóc rất đẹp. Nguyễn Sửu sau khi bối tóc thấy gương mặt đẹp, dáng dấp sang trọng như một bà Tổng Giám đốc của một Công ty nào đó. Diệu Ánh tóc chải phồng một bên, đuôi thả lọn dài, xinh xắn lại duyên dáng giống ca sĩ Thanh Thúy của ngày xưa. Đầu tóc bạc của Hồng Liên bối cao lên đẹp và gương mặt thì tươi trẻ hẳn ra. Lâm Kim Cúc và Huỳnh Vui, tóc uốn dài được chải từng lọn nhìn đẹp giống diễn viên điện ảnh. Lê Cúc, tóc uốn ngang vai, chải cúp vào theo nếp, mặt tròn trịa dễ thương. Kim Chi, được cháu trang điểm tóc, một mái thả suông, một mái chải ngược lui sau, có gắn một chiếc kẹp tăm. Nhìn cũng vui vui và hay hay. Mất gần nửa buổi sáng để trang điểm tóc. Ai cũng đẹp, cũng sang trọng cả. Mệ Huế mà. Rời nhà Hồng Liên các mệ đi ăn bún bò ở 48 Lê Thành Phương. Bún bò ở đây ăn được, rau sống tươi, ngon, sạch sẽ. Mấy mệ ưng bụng. Theo hướng dẫn của Huỳnh Vui, các thành viên lên đường đi Nha Trang thành thăm cậu mợ của Vui. Nơi đây đã có một thời tôi làm cô giáo ở trường trung học Diên Khánh trước khi chuyển về dạy ở Huế. Thời gian ở đây ngắn nên tôi không có ấn tượng gì nhiều. Chỉ nhớ Bà Cả tôi ở trọ - rất thương tôi. Sau này có lần tôi trở về Nha Trang thành tìm bà nhưng nhà bà không còn ở đó nữa. Cậu mợ của Huỳnh Vui chỉ hơn các cháu vài tuổi mên đều là “ôn mệ” cả. Món bánh ướt đặc sản của Diên Khánh lạ và ngon. Có chả lụa, có thịt heo luộc, có đậu xanh chấy, có mắm… Đặc biệt nước chấm mợ làm rất ngon. Mợ có duyên, hiền lành, tươi tắn, cùng cậu tiếp đàn cháu lớn tuổi thân yêu. Từ giã Nha Trang thành chúng tôi tung tăng dắt nhau đi tắm bùn. Lâm Cúc điệu muôn thuở. Hắn không tắm bùn mà đi làm đẹp da. Sáu thiếu nữ lớn tuổi vào chung một hồ bùn. Bùn phủ lên người, lên mặt nên cô nào trông cũng dễ sợ. Cùng nhau “dễ sợ” nên huề cả làng.

25’ tắm bùn trôi qua… Các cô lần lượt ra đài phun nước để tắm cho hết bùn. Chúng tôi đứng dưới những vòi phun trong cảm giác thoải mái, dễ chịu như thời thơ ấu được mạ cho tắm mưa chiều. Nước tuôn xối xả xuống người. Cứ muốn đứng mãi dưới “mưa tuôn” nhưng rồi phải nhường chỗ cho người khác vì các cô bé “tắm mưa” đã khá lâu. Thác nước ở bên kia. Nước đổ từ tầng đá cao xuống ào ào, tung tóe khắp nơi. Tầng cao và tầng thấp và thấp hơn nữa… Các cô giã từ đài phun nước để qua tắm thác. Diệu Ánh, Thái Thởi lên tầng thác cao, ngồi trên đá. Nước tung đổ xuống người các bạn. Tôi, Huỳnh Vui, Lê Cúc, Nguyễn Sửu nhác gan nên chỉ tắm ở tầng thấp. Từ từ, thác cao vẫy gọi, thế là cả bốn đứa thay nhau lên tầng cao. Vô tư - thoải mái - đùa vui. Giống con nít dễ sợ. Tắm thác xong chúng tôi qua ngâm mình ở hồ nước ấm. Lặn xuống, trồi lên, cười, gọi nhau ơi ới. Ui cha ơi, là vui !.

Một buổi tối thật ngon miệng ở Restaurant Tân Bình Minh, 64 Hoàng Văn Thụ. Rất ngon. Các “mệ Huế lai Sài Gòn” mời “mệ Huế Hồng Liên lai Nha Trang”. Ăn tối. Trở về Biệt thự Hoa Vàng. Các trại viên chuẩn bị áo đẹp để dự sinh nhật của Nguyễn Sửu. Tối nay mệ mô cũng đẹp cả. Có bánh sinh nhật, có rượu tây đàng hoàng. Vợ chồng chủ nhân rót rượu tây đãi khách Sài Gòn. Nguyễn Sửu vui và hạnh phúc. Mọi người cầm ly chúc mừng sinh nhật lần thứ 67 của Sửu. Rượu tây mà mệ mô cũng uống được- rứa mới tài. Quay phim. Chụp hình. Phát biểu (oai ghê !). Hát. Vỗ tay. Reo mừng… Ôi! mấy mệ, “các thiếu nữ lớn tuổi của tôi”!

 

Ngày 15 tháng 9

Mọi người dậy thật sớm. Trang điểm đẹp. Lên đường. Tôi đề nghị các bạn ăn sáng. Bún cá tiếp tục. Diệu Ánh dẫn đến quán Bún cá Loan trên đường Ngô Gia Tự. Quán này không ngon bằng quán Vân Cảnh. Lần sau nếu trở lại Nha Trang tôi sẽ tìm đến Vân Cảnh. Nước bún và chả cá ở đây đậm đà. Ngon vô cùng . Café Tuổi Ngọc đón chúng tôi. “Tuổi già” vào “Tuổi Ngọc” cũng hợp như thường, bởi cách ăn mặc trẻ trung của mấy mệ. Cũng đen, cũng nóng, cũng đá, cũng bạc xỉu như ai. Nhạc hay, êm dịu, nhẹ nhàng. Quán khá dễ thương. Hoa lá trong vườn ngập nắng xôn xao… Hồn người lang thang trong nắng thu vàng. Chợ Xóm Mới Nha Trang rộn rã đón chúng tôi. Tôm khô, cá khô, mực khô, nem chả, bột lọc… mấy mệ tha hồ mua… 10g, chúng tôi nhanh chân trở về Biệt thự Hoa Vàng, dọn dẹp lều, trại để lên đường trở về Sài Gòn. Chúng tôi vô cùng cảm kích vợ chồng chủ nhân của Biệt thự Hoa Vàng, một ngôi biệt thự đẹp, sang trọng và chủ nhân thì quá “dễ thương”.

Từ giã biệt thự Hoa Vàng của anh chị Cường - Loan, chúng tôi ra ga Nha Trang trở về Sài Gòn. Ra đi “nôn nóng”. Trở về cũng “nôn nóng”. Đúng là con nít “ngây thơ vô số tội”. Ngồi yên trên tàu, mỗi người một vẻ. Đứa cười, đứa yên lặng, đứa mơ màng, đứa chống tay làm duyên - duyên già, đứa nhăn trán suy tư… Có lẽ các mệ đang nghĩ về “những ngày vui qua”.

Trời ơi! Những chiếc bánh chưng của Hồng Liên, những hộp cơm, những hộp cá bống thệ kho khô lủng lẳng trên móc của toa tàu. Tất cả chúng tôi đều cảm động trước tấm lòng vì bạn của Liên. Trưa ăn cơm, chiều ăn bữa lở bánh chưng còn cá kho khô thì mang về nhà. Hồng Liên chu đáo phân cho mỗi người một phần. “Sợ mấy mệ giành nhau”. Liên nấu cơm ăn với sườn non và trứng rất ngon. Bánh chưng cũng quá tuyệt. Dân Nha Trang thứ thiệt mà. Cá bống thệ kho khô vàng ươm… nhìn thấy thèm! Vậy là về đến nhà, mỗi đứa có một hộp cá bống thệ kho khô của bạn Hồng Liên tặng. Tàu vẫn xình xịch, đều đều, khi nhanh, khi chậm. Gương mặt các bạn thoải mái, vui vẻ. Chuyện quá khứ, chuyện hiện tại cứ thế rôm rả. Trên tàu, hành khách râm ran. Nhộn nhịp nhất là nhóm “các mệ Huế”…

Tàu đến Long Khánh rồi đến Trảng Bom. Trời mưa. Nhìn mưa, các bạn có vẻ buồn buồn. Nhớ nhà chăng? Trời sắp tối. Nhìn qua, nhìn lại. Mưa càng lúc càng to. Từ giã nhau khi tàu sắp dừng ở Ga Biên Hòa. “Tau về nghe”. “Ừ, mi về, nghe Chi”. “Về hí !”. “Từ giã mi nghe”. Thái Thởi xách túi xách cho tôi. Vội vàng băng qua mọi người để đưa tôi đến cửa xuống tàu. Thương ghê. Tôi đuổi Thởi lui để tôi tự xách đồ xuống tàu một mình nhưng Thởi không chịu. “Mạ của tui mà”. (Hắn vẫn ghẹo tôi là con của hắn). Cái con khỉ.

Tôi xuống tàu, rời ga Biên Hòa khi trời đổ cơn mưa thật lớn. Không hiểu các bạn của tôi đến ga Sài Gòn thì ra sao. Thương quá ! Thế là những ngày vui đã thật sự qua đi…

Tối ấy. Tôi không ngủ được. Hình ảnh dễ thương, vui nhộn của các bạn lại về trong tôi. Thời đi học cho đến bây giờ. Lâm Kim Cúc dịu dàng, da ngăm ngăm, cao nhất lớp Đệ lục B4 thùy mị, dễ thương để rồi lên Đệ nhất C1 trở thành một thiếu nữ đẹp của Đồng Khánh và bây giờ là một bà trẻ 68 tuổi trẻ trung, yêu đời và vẫn còn xuân sắc. Thái Thị Thởi, Đệ tứ B4 với đầu tóc chải phồng “mode imperatif” một thời - tôi hay ghẹo Thởi hồi nhỏ. Bây giờ tóc bới cao “rứa mới sang”. Thởi nói. Huỳnh Thị Vui, da trắng, tóc dài ngang eo, lên Đệ nhị nhiều anh theo rứa là “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Bây giờ trông Vui vẫn xinh xắn, tóc không còn mượt mà như thời con gái nữa mà bồng bềnh, chải rối như “đào ciné” thập niên 60. Lê Kim Cúc nước da trắng hồng, gái Kim Luông nên từ nhỏ đã xinh, bây giờ 69 tuổi vẫn còn xinh. Nguyễn Thị Sửu, áo đầm trắng nhí nha nhí nhảnh cùng một cặp với Lê Bích Liên hồi học Đệ nhất cấp Đồng Khánh. Gương mặt thật tươi với nụ cười luôn nở trên môi. Bây giờ là một bà giáo hưu trí trẻ trung, đáng yêu nhưng… “hay giận”. Răng rứa hè?. Nguyễn Khoa Diệu Ánh, học lớp Tư trường Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội với tôi. Tóc cắt búp bê dễ thương. Lên Đệ nhất trở thành một o Đồng Khánh đáng yêu. Hôm nay là một mệ Đồng Khánh làm hướng dẫn viên cho Trại Lá Vàng U70, nhanh nhẹn dù sắp qua 67 mùa xuân. Còn tôi, con “Kim Chi” của các bạn. Tối nay, có đứa mô đưa con Kim Chi lang thang trong hồn của mình không? Có hay không cũng được, chỉ cần các bạn nhớ rằng “tui rất thương và quý các bạn Đồng Khánh của tui”. Rứa nghe các bạn!.

Trăng treo bên cửa sổ. Tròn, sáng và trong veo xuyên qua song cửa vào phòng tôi. Phòng ngập ánh trăng vàng. Trăng của thời con gái đang phủ lên người tôi. Ngập ngừng, tôi nhìn trăng, lòng xao xuyến với niềm vui tuổi dại… Trại “Lá Vàng” cuối mùa xôn xao đã giải tán nhưng các bạn thân thương vẫn còn reo vui bên tôi dưới trăng… Rất nhớ câu nói thấm ý, thấm tình của các mệ Đồng Khánh trong cuộc vui: “Vui - Khỏe - Rẻ - Ngon - Sang trọng”. Tim tôi rộn rã, ấm nồng bởi mỗi góc của trái tim tôi đều ghi dấu hình ảnh đáng yêu của các bạn. Thương quá, các bạn Đồng Khánh 68 của tôi.

Bùi Kim Chi
(Đồng Khánh 68)

 

chân trần

art2all. net