LÀNG CỔ LỘC YÊN, TIÊN PHƯỚC, QUẢNG
NAM

Cách Đà Nẵng khoảng
90 km về phía tây nam (15, 30'33" độ vĩ Bắc, 108, 17'59" độ
kinh đông) làng cổ Lộc Yên tự tại an nhiên giữa bốn
bề hoa lá cỏ cây mượt mà xanh tốt.
Núi Cấm, Rừng Gấm, Hố Chò, Đá Bàn, những địa danh
quen thuộc tạo thành vòng tay thân thiện như một đường
tròn khép kín âu yếm ôm ngôi làng cổ từ thuở xa xưa.
Những con đường trải đá viền cỏ xanh với vô số những
bông lan huệ mộc mạc hồn nhiên dõi theo bước chân
ngạc nhiên của du khách trước vẻ đẹp của vùng núi non
trù phú.
Mùa xuân chứa chan trong những cành, những nhánh, nhựa
xuân nôn nao trở mình trong lộc biếc mầm xanh.
Những ngôi nhà cổ theo kiểu ba gian hai chái, mái ngói
đã bạc màu nhưng vẫn vững chãi trong nắng sớm mưa
chiều
Hàng cột gỗ mít tròn trĩnh, bóng mượt và vô số cột
kèo xuyên trình thách thức thời gian, đang khoe tuổi thọ
của mình với du khách gần xa.
Những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỉ 18 (khi mới
lập làng) nằm lặng yên thanh thản giữa núi rừng,
không ưu tư vướng bận .
Những thềm đá, tường rêu bao đời vẫn thế, gần như
không có sự thay đổi, những xô bồ tất bật dừng lại
trước cổng làng, dừng lại trước vẻ uy nghi trầm mặc
của đá.
Những khối đá nhiều hình dạng màu nâu, màu xám chen
những vân trắng vân xanh, hay những khối đá đen vạm vỡ
che chở, cưu mang người dân Lộc Yên từ năm này sang
năm khác từ đời này sang đời khác.
Người làng đi đâu xa, một ngày trở lại thấy lòng rưng
rưng xúc động vì tất cả đều quen thuộc gần gũi. Vẫn
phiến đá, cành cây, vẫn hàng chè tàu trên ngõ vào ngày
ấy.
Tiếng ti ri của chú chim sâu trong lá, tiếng cúc cu của
con chim gáy trong bờ trúc, hay tiếng gáy non nớt của chú
trống choi sau giậu mồng tơi, hoà vào mùi rơm ẩm nồng
nồng, mùi thơm nhẹ của các loài hoa không tên.
Thanh âm, mùi vị ấy chính là hồn quê, vẫn hiện hữu
và gõ nhịp êm đềm trong trái tim người xa xứ.
Những cái tên không hoa mỹ: Đồng Rộc, Vực Dài, Đá
Giăng lại ẩn chứa sự dịu dàng thanh xuân của những
dòng suối êm ả bao quanh làng.
Những bờ đá, tường đá, ngõ đá và vô số công trình
đá đã tạo thành một cảnh quan độc đáo cho làng cổ. Đá
mạnh mẽ hiên ngang, đá kiên cường vững chắc và đá
cũng nhẫn nhịn yên phận dưới bước chân người qua.
Đá gắn liền với cuộc sống của người dân Lộc Yên
như tre với người dân quê miền xuôi như sông nước,
kênh rạch với người nam bộ.
Xóm Gò Tròn tỉnh giấc mơ xuân đón nắng mới khi sương
núi vừa tan, cây cỏ tươi vui lấp lánh giọt sương trên
lá. Bên kia xóm Hòn Ngang, có chú chim chào mào vừa hót
vừa bay, làm xao động vạt nắng trên mấy nóc nhà tranh
còn vấn vương khói bếp.
Sông suối cỏ cây độ lượng của rừng đã làm cho khí
hậu vùng này hiền hoà thoáng đãng. Thiên nhiên ưu ái
ban tặng Lộc Yên những ngọt ngào thơm thảo.
Những bước chân vui về làng cổ Lộc Yên
Dòng suối nhỏ trong xanh ngập ngừng qua ghềnh đá
Cây cỏ bao dung hồn nhiên đến lạ
Lồng ngực căng đầy gió núi đẫm hương hoa
Trắng mây trời, xanh rừng núi bao la
Yêu biết mấy đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Yêu biết mấy người đã xa ngàn dặm
Nắng thanh xuân hoa đằm thắm dịu dàng
Một sớm mùa xuân
Xanh biêng biếc: Quảng Nam
Đanthanh
HOA TRANG RỪNG TÀ MÁ -BÌNH ĐỊNH
Không còn vẻ ủ rủ già nua tàn tạ của những ngày cuối đông , cây
trang rừng khoác chiếc áo rực rỡ khi mùa xuân trở lại
Từ trong những cành những nhánh khẳng khiu cằn cỗi bất ngờ trổ ra
những nụ những hoa
xôn xao đông đúc
Không phải từng hoa từng chùm mà từng mảng từng đám như ráng trời
chiều rực lên trong nắng
Đứng dầm chân bên bờ suối cây trang rừng rùng mình trút lớp áo mùa
đông tàn tạ , hớn hở trở lại tuổi đôi mươi như một phép lạ ...
Mặt trời lên nước suối chuyển từ màu hồng nhạt, vàng cam rồi rực đỏ
Cả một vùng trời đất chói loà bừng bừng như thắp lửa
Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 60km , về phía Tây , khoảng
giữa tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch ở thôn Hà Rí xã Vĩnh Hiệp
huyện Vĩnh Thạnh Bình Định lại có sự đổi thay kỳ diệu khi mùa hoa
trang nở
Sau một năm bươn chãi
cần mẫn chắt lọc những tinh hoa trong lòng đất cây đã dâng hiến cho
đời những bông hoa rực rỡ sắc màu
Mùi thơm nhẹ và ấm nồng , trong và tinh khiết phả vào không gian
hương vị bao dung của đất trời
Không phải cây trang rừng chỉ cư ngụ ở Tà Má mà vùng núi nhiều nơi
đều có . Những cây trang rừng đứng lẻ ở
Đông Giang , Trà My , Quảng Nam cũng nở rộ khi Xuân về
Nhưng nơi đây , cây trang rừng rủ nhau về tụ hội .Suốt hơn 1km dọc
hai bên suối Tà Má những cây cổ thụ hồi xuân khoe sắc toả hương ,
kiêu hãnh khoe sự đông đúc thịnh vượng của mình với du khách gần xa
Hoa trang rừng mênh mang , nồng nàn cháy rực lên trong nắng chiều
Bình Định
Suối Tà Má đổi màu : hoa trang rừng đã nở
Đỏ mênh mang trong nắng sớm mùa xuân
Bước bình yên thanh thản giữa hương rừng
thơm rất nhẹ rất dịu dàng tinh khiết
Nắng vào hoa cả cánh rừng cuồng nhiệt
nở hết mình thắp lửa tuổi thanh xuân
Hoa trang rừng đã nở thắm rồi anh
Như đã hẹn cùng đất trời cây cỏ
Anh cũng hẹn nhưng rồi không đến nữa
Hoa bạt ngàn như nỗi nhớ mông mênh
( Có một người ray rức phía không em ...)
đanthanh
(Hà Rí , Bình Định tháng 3/2021 )
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VUI
KÊNH TRÀ SƯ
Ngày 2
Quê hương thốt nốt mướt xanh hồ hởi xoè rộng táng lá suốt dọc đường
xe qua . Lá tròn , hơi giống lá cọ thanh thản vươn lên giữa màu nắng
cuối xuân trong trẻo . Nơi xe đổ cách bến thuyền khoảng gần 2km .
Con đường đất đỏ lung linh những đốm nắng, chạy giữa rừng cây gừa
cây mắm cây sua đũa xanh tốt
Ruộng đồng , phù sa , thốt nốt lương thiện đã thấm vào máu , chảy
thành dòng chân thật trong huyết quản của người nam bộ . Màu xanh
bao dung của kênh rạch Trà Sư là làm dịu lại những bức bối , mỏi mệt
của chúng tôi sau một chặng đường dài
Thuyền máy băng băng lướt trên mặt kênh phủ đầy bèo tai tượng và bèo
tấm xanh ngút ngát . Họ hàng nhà bèo khoe sự đông đúc của mình với
rừng đước ung dung an nhàn tạo thành một vòm xanh bất tận rợp mát
cho kênh rạch trù phú , những cánh đồng sen nối tiếp nhau , mùa này
sen trên đồng đã tàn chỉ còn lơ thơ vài đoá hồng nở muộn , như cố
níu một thuở mãn khai rực rỡ của mình . Sen vẫn ở lại , chôn chân
trong bùn , còn bèo tuy nhỏ bé nhưng được vui thú sông hồ . Sen có
niềm vui tinh khiết , còn bèo ca khúc lãng du
Kiếp bèo vui khúc lãng du
Còn sen thì vẫn ao tù
Buồn thiu
( Dẫu sen tinh khiết , mỹ miều )
Rời cano , chúng tôi lên những chiếc xuồng nhỏ chèo tay , cô lái đò
, áo bà ba nón lá , cho xuồng len lỏi vào sâu trong rừng đước , chùm
rễ đước mọc ra từ thân, cắm ngập trong bùn đất phù sa , loại cây đặc
trưng của rừng ngập mặn có sức sống mạnh mẽ , hào phóng ban phát chỗ
trú ngụ bình yên cho cá tôm và vô số các loài thuỷ sản trong vùng .
Nắng lọc qua vòm lá dày ,
xanh xanh như ngọc , mát lành như gió, dịu dàng như tình yêu của cây
có đất trời .
Chúng tôi hít đầy buồng phổi sự bao dung thơm thảo của sông nước
miền nam .
Buổi chiều viếng Lăng Mạc Cửu . An Giang có Thoại Ngọc Hầu thì Kiên
Giang có Mạc Cửu , người có công khai phá vùng đất này . Lăng mộ của
ông đươc xây trên núi đá cao , bề thế trang nghiêm . Từ miếu thờ ,
phải vượt hơn 100 bậc cấp , có lẽ cũng làm chùn chân những người
thất thập trong đoàn chúng tôi .
Người thiếp của ông là Phù Cư sau một lần thoát chết vì bị ghen
tuông đã tìm đến nương nhờ cửa Phật . Dân trong vùng cảm mến sự nhân
hậu , tin tưởng vào sự linh hiển của bà nên lập miếu Phù Dung Cổ Tự
để thờ cúng , tôn vinh
Mỗi vùng miền đi qua đều để lại trong lòng chúng tôi những kỉ niệm
đẹp . Xin thắp một nén tâm nhang tri ân những người đã có công khai
phá vùng đất Kiên Giang trù phú và thơ mộng này
Đất đai màu mỡ , trời biển xanh trong , lòng người nhân hậu , ngọt
ngào như đường thốt nốt ,
dịu dàng như kênh rạch , thơm thảo như hoa trái miền nam.
Đan Thanh

art2all.net