BÌNH LUẬN VĂN HỌC TẬP 4 Hoàng thị Bích Hà
Trần Kiêm Đoàn PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỌC VÀ VIẾT VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng… ở trời Đông đã lạnh lùng lên tiếng, đại khái rằng: Các đầu óc thông minh và đôi mắt sắc bén của các nhà thông thái, phê bình… hãy tránh xa tác phẩm của tôi. Xin đừng toan tính chuyện phê bình hay nhận xét phân tích gì những điều tôi thích là tôi viết cả. Cái thú muôn đời của văn chương nghệ thuật là ở chỗ đó. Các nghệ sĩ sáng tạo thường là những “con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi” (Xuân Diệu). Hát “vô ích” cho đến khi vỡ cổ, sa rụng giữa bình minh. Thế nhưng các nhà phê bình thường sử dụng cái đầu óc lạnh lùng cân đo đong đếm của mình mà soi rọi tác phẩm “máu lệ” của tác giả thì có ai mà thản nhiên, hài lòng cho được. Nhưng nói đi thì cũng có khi phải nói lại rằng, một nhà phê bình tài ba về một tác phẩm nghệ thuật có khi là “tái tạo” tác phẩm bởi nhìn ra được những nét diệu kỳ nằm trong góc khuất mà chính tác giả tuy đong đầy cảm xúc nhưng vẫn có khi chưa thấy được chính mình. Nhận được tác phẩm Phê Bình Văn Học tập 4 của Hoàng Thị Bích Hà; trong đó có phần nhận định và phân tích tập sách Về Huế của tôi được nhà phê bình đặt dưới tiêu đề: “Hồn Cốt Huế Trong ‘Chuyện Khảo Về Huế’ của Một Nhà Văn Rặt Huế” Tập sách được viết và xuất bản đã ngót 30 năm và cũng đã trải qua nhiều bài viết phê bình nhận định của nhiều tác giả nhưng năm nay lại xuất hiện một cách “dễ thương đầy tâm cảm” hơn qua cách nhìn của một người bạn văn, một độc giả đồng hương và một khuynh hướng phê bình văn học khá độc đáo của Hoàng Thị Bích Hà. Đọc tiếp các bài phê bình khác trong tác phẩm, thật khó để mời Bích Hà vào chiếc chiếu hoa cạp điều nào vừa vặn đã được soạn sẵn cho các nhà phê bình văn học tiền bối trên văn đàn tiếng Việt bởi sự đa dạng trong tầm nhìn, văn phong và khuynh hướng phân tích tâm lý của chị. Tôi lại tẩn mẩn muốn so sánh, nhận diện Bích Hà trên văn đàn phê bình văn học, trong làng văn bút đàn anh, đàn chị nhưng thật khó bởi “văn chương tự cổ vô bằng cớ” nên làm văn chương cũng như làm người, mỗi cá thể là một cánh rừng cô độc. Nếu có chăng sự trùng lặp giống nhau thì sáng tạo văn chương chỉ còn là phiên bản sản xuất hàng loạt như kỹ nghệ dây chuyền. Dạo qua thế giới phê bình văn học, dù chỉ là tài tử như cỡi ngựa xem hoa cũng có thể thấy rằng những khuynh hướng phê bình văn học xưa nay khó nắm bắt một nguyên tắc nhất quán khi nhà phê bình văn học khoác áo đội mũ đi vào chủ nghĩa trường văn trận bút là vô hình chung “bế môn luyện công” theo môn phái của mình. Trong Phê Bình Văn Học, Hoàng Bích Hà đã thể hiện rõ nét phong thái rất “hồn nhiên” của ba trong muôn một pháo đài phê bình vừa gay gắt vừa nhẹ nhàng thỏa hiệp với tác giả và tác phẩm của nhiều khuynh hướng phê bình trong thế giới văn chương nghệ thuật ngày nay; đó là: Chủ nghĩa hình thức (Formalism: tập trung vào cấu trúc và hình thức của chính tác phẩm). Bích Hà theo sát tác phẩm và tác giả. Phê bình theo cách phản hồi của người đọc (Reader-response criticism: nhấn mạnh trải nghiệm theo cảm thức chủ quan của người đọc). Bích Hà như muốn nói thẳng với tác giả được chọn phê bình rằng, tôi hiểu và đọc văn của quý tác giả như thế đó! Phân tâm học (Psychoanalytic criticism: diễn giải và phân tích tác phẩm qua lăng kính tâm lý học). Bích Hà khi viết phê bình dường như muốn đánh mạnh vào cảm xúc tâm lý tác giả rằng, tôi đã nhìn ra những giải bày và góc khuất tâm lý trong tác phẩm theo hướng nhìn riêng tiềm ẩn trong tôi. Và, phê bình theo nhãn quan nữ quyền (Feminist criticism: nghiên cứu động lực giới tính trong văn học theo nhãn quan của một nhà văn có cách nhìn, cách chọn lọc sự kiện và hình ảnh đậm tính nữ lưu). Bích Hà đi vào tác phẩm không làm dáng kiêu sa chữ nghĩa mà hồn nhiên và dè dặt dịu dàng… rất Huế! Phương pháp luận được sử dụng trong tác phẩm Phê Bình Văn Học, rõ ràng là tác giả Hoàng Thị Bích Hà đã chủ động chọn lựa một cách đọc và viết riêng, không theo một mô thức kinh điển hay cách tân nào đơn thuần và giáo khoa trong quá trình phê bình và nhận định của dòng văn bút đàn anh, đàn chị đi trước. Chị đọc, cảm nhận và suy luận về giá trị nội dung, hình thức cũng như tư tưởng xuất hiện trong tác phẩm vừa cảm tính, vừa lý tính nên chính tác giả của dòng văn được đưa ra làm đối tượng phê bình lắm lúc cảm thấy như dòng liên tưởng của mình trong tác phẩm một thời nào đó được tái hiện và thêm hoa lá cành cho tươi mát lại. Những cảm xúc chân quê của tôi trong Về Huế đã “bị” ngòi bút một thời áo tím của sông Hương núi Ngự làm sống lại những màu tím quan san, những cơn mưa Huế và những tâm hồn của vùng đất nhỏ như cái bể cạn mà vẫn thường mơ biển cả sông hồ! Tôi có niềm thâm tín là những tác giả có tác phẩm được Hoàng Thị Bích Hà chọn làm đối tượng phê bình khi đọc những dòng tâm bút nói về tác phẩm của mình đều cảm thấy như có những âm thanh, màu sắc và tiếng vọng rất mới từng đã ngủ quên trong tác phẩm của mình vừa thức giấc với một nụ cười rất chan hòa vô ngại. Cám ơn nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học… Hoàng Thị Bích Hà đã xuất hiện như một Triệu Tử Long phê bình văn học trong thế giới văn bút mới khi mỗi nhà văn là một tiểu thượng đế vì muốn cho nhân vật trong tác phẩm mình chết hay sống lúc nào cũng được. Và, mỗi nhà phê bình văn học là một Kinh Kha: Cứ qua bờ sông Dịch, cứ nghe tiếng trúc Cao Tiệm Ly… nhưng, có chết hay không thì cũng phải lý giải mà thực ra không cần phải lý giải gì cả bởi duyên nghiệp trùng trùng!
Sacramento, CA 29/9/2024
Trần Kiêm Đoàn
|